An Giang chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Đảng và nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển vùng đồng bào các dân tộc, nhất là chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thông qua thực hiện các chủ trương, chính sách, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.

An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, diện tích tự nhiên 353.676ha, trong đó 279.996ha đất sản xuất nông nghiệp; là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi và có đường biên giới dài gần 100km, giáp với tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Dân số toàn tỉnh gần 2 triệu người; ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số còn có 28 DTTS với khoảng 119.219 người, chiếm 5,2% dân số của tỉnh; trong đó có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh, chỉ đạo sâu sát, các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS (thông qua các chương trình, dự án), như: Hỗ trợ vốn sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; cụm, tuyến dân cư, nhà ở, nước sạch, điện, đường, trường, trạm, làng nghề, giảm nghèo, giải quyết việc làm… Từ đó, tình hình kinh tế vùng đồng bào DTTS chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần (giảm bình quân 3,79%/năm), đời sống của bà con từng bước cải thiện rõ nét.

Đảng và nhà nước luôn quan tâm chăm lo chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc

Đảng và nhà nước luôn quan tâm chăm lo chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc

Qua triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đồng bào DTTS được nhận đất ở, nhà ở, vay vốn, hỗ trợ sản xuất. Cố gắng làm ăn, nhiều hộ từng bước ổn định cuộc sống, kinh tế - xã hội (KTXH) vùng DTTS không ngừng cải thiện.

Tỉnh tập trung triển khai và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH ở vùng đồng bào DTTS, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng sâu thông qua các chương trình, dự án. Nhất là, thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ từ Chương trình 135 đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS, nâng cao ý chí vượt khó, thoát nghèo bền vững...

UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2030, đồng bào DTTS và miền núi có cơ hội được tiếp cận những chương trình, dự án, nguồn lực khác nhau để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống…

Chương trình được triển khai trên địa bàn các xã, ấp vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỉnh triển khai 10 dự án, với tổng vốn trên 573,56 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 383 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 38 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách khoảng 151 tỷ đồng).

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT, ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang có 7 xã khu vực III và 9 xã thuộc khu vực I. Giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 151.000 lao động (lao động vùng biên giới, dân tộc chiếm khoảng 55%); đào tạo nghề cho gần 139.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên từ 53,3% năm 2016 lên 66,58% năm 2021.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%; 100% các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới, DTTS đều hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu thông, trao đổi hàng hóa; 100% đồng bào DTTS nghèo và đồng bào sinh sống tại địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, học hành đầy đủ…

Theo Ban Dân tộc tỉnh, nhiều ấp, khóm và hộ gia đình đồng bào DTTS được xét công nhận đạt chuẩn văn hóa; các khiếu kiện về tranh chấp đất đai trong đồng bào được quan tâm xem xét giải quyết kịp thời. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách được quan tâm; việc thực hiện dân chủ cơ sở, giải quyết nguyện vọng của đồng bào được quan tâm nhiều hơn; niềm tin của đồng bào DTTS và các vị chức sắc đối với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của nhà nước được nâng lên.

Đặc biệt, với chủ trương, chính sách tăng cường đào tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm trong đồng bào DTTS phát huy hiệu quả, có sự dịch chuyển nguồn lao động từ nông thôn lên các đô thị lớn để xin việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được duy trì, giữ vững ổn định; đoàn kết giữa các dân tộc tôn giáo được phát huy. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được quan tâm, nghề truyền thống được khôi phục, phát triển. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống được phát huy, nhiều vị chức sắc tiêu biểu đóng góp thiết thực cho sự phát triển của cộng đồng DTTS, tham gia xây dựng chính quyền, vận động đồng bào và sư sãi chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Ông Chau Khen (xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên) cho biết: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền mà phum, sóc được đầu tư khang trang, không còn khó khăn như trước. Các cháu nhỏ trong phum, sóc được đi học đầy đủ. Bà con gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ nhau… Đồng bào DTTS Khmer chúng tôi còn được quan tâm hỗ trợ, tặng quà dịp lễ, Tết, khám bệnh miễn phí, nên cảm thấy rất ấm áp”.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-cham-lo-dong-bao-dan-toc-thieu-so-a367146.html