An Giang chủ động kiểm soát bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng

Bộ Y tế cảnh báo, các bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng mạnh ở nhiều nơi. Đến nay, An Giang ghi nhận 2.444 ca SXH, 1.249 ca TCM, đứng thứ 4 trong 20 tỉnh, thành phố phía Nam về số ca mắc TCM được ghi nhận.

Ca bệnh gia tăng

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã quyết định lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch SXH và TCM tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm, như: An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, dịch SXH có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh và ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch chưa cao.

BS CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời tiết đang vào mùa mưa, qua khảo sát nhận thấy chỉ số lăng quăng/bọ gậy tăng cao, chỉ số nhà có muỗi truyền bệnh SXH cao, có khả năng dịch SXH bùng phát trong thời gian tới. Đồng thời, bệnh TCM cũng gia tăng nhiều nơi. Ngành y tế tập trung giải pháp ngăn chặn, không để “dịch chồng dịch”.

BS CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, dấu hiệu bệnh SXH: Nhiễm virus dengue gây triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng người. Do chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, nên phòng ngừa bệnh SXH bằng cách diệt muỗi, diệt lăng quăng, không để muỗi đốt… và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Đối với bệnh TCM, hiện chưa ghi nhận ca tử vong, nhưng kết quả phân lập virus do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phản hồi trong tổng số 34 mẫu được phân lập, trong đó EV71 chiếm 65% (22 mẫu). EV71 có khả năng lan truyền nhanh trong cộng đồng, đặc biệt trong môi trường nhà trẻ, trường học hoặc các nơi có tiếp xúc gần gũi giữa các trẻ. Sự xuất hiện tuýp virus EV71 sẽ tăng gánh nặng cho hệ điều trị vì có tỷ lệ cao gây chuyển độ nặng của bệnh. Để phòng ngừa bệnh TCM, cần thực hiện “3 sạch”: Ăn uống sạch, môi trường sạch và bàn tay sạch.

Theo BS CKII Trần Quốc Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, từ đầu năm đến nay, Chợ Mới ghi nhận 359 trường hợp mắc TCM, tăng 54 trường hợp (17,7%) so năm 2022, xử lý 56 ổ dịch, không có tử vong. Dịch bệnh xảy ra ở 18/18 xã, thị trấn. Các xã có số mắc cao, như: Hòa Bình (40 ca), Kiến An (37 ca), Long Điền A (33 ca), Nhơn Mỹ (26 ca). Bệnh được ghi nhận chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi; bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, lây lan do thói quen không hợp vệ sinh của người chăm sóc trẻ, điều kiện môi trường không đảm bảo vệ sinh.

Bệnh cũng dễ lây lan tại các trường học, thông qua các đồ chơi, vật dụng dùng chung của trẻ, sàn nhà không được vệ sinh. Bệnh SXH ghi nhận 474 trường hợp mắc, so với năm 2022 giảm 719 trường hợp (60,26%), xử lý 114 ổ dịch, không có tử vong. Dịch bệnh xảy ra ở 18/18 xã, thị trấn, nhiều nhất ở các xã: Long Điền B (47 ca), Kiến Thành (44 ca), Kiến An (39 ca), Tấn Mỹ (37 ca), Long Giang (35 ca), thị trấn Chợ Mới (31 ca).

Tình hình SXH và TCM trên địa bàn huyện Thoại Sơn cũng gia tăng và diễn biến phức tạp, các ca bệnh xuất hiện ở hầu hết các xã, thị trấn. Toàn huyện Thoại Sơn đã ghi nhận 201 ca mắc TCM, tăng 14 ca so cùng kỳ và tăng cao thời gian gần đây. Một số xã có số ca mắc cao, như: Vọng Đông, Thoại Giang, Bình Thành, Vĩnh Chánh, Phú Thuận...

Điều trị bệnh tay - chân - miệng tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang

Điều trị bệnh tay - chân - miệng tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang

Ghi nhận tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn), từ đầu năm đến nay, tiếp nhận các ca bệnh TCM tăng cao, đặc biệt tháng 6 - 7, số ca tăng đột biến, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Chị Hoa Thị Hương Thiện (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành), có 2 con đang nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn. Cả 2 bé đều có dấu hiệu của bệnh TCM: Sốt tái diễn nhiều ngày, miệng nổi bóng nước...

"Tôi đi làm ở công ty, 2 con nhỏ ở nhà với bà ngoại và cha chăm sóc. Mấy hôm nay bé bị sốt, ăn uống khó vì đau họng. Thấy vậy, gia đình chở đi bác sĩ khám. Uống thuốc, bé hết sốt được 2 ngày, qua ngày thứ 3 sốt trở lại; cơ thể bé thì không thấy nổi mụn nước, chỉ thấy nổi 3 - 4 mụn nhỏ trong miệng. Tôi cứ nghĩ là “đẹn”, nên tiếp tục cho uống thuốc và thoa thuốc, nhưng không giảm, sốt đi sốt lại nhiều lần. Chở bé vào khám và được cho nhập viện luôn" - chị Hương Thiện chia sẻ.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang đã tiếp nhận 35 lượt SXH khám bệnh ngoại trú, 30 ca điều trị nội trú (trong đó có 5 ca SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 1 ca Dengue nặng), đang nằm viện 14 ca. Bệnh TCM tiếp nhận 993 lượt khám ngoại trú, điều trị nội trú 205 ca, đang nằm viện 52 ca. Bệnh viện chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy thở, phòng bệnh... để điều trị và có thêm 1 khu 60 giường dự phòng khi bệnh tăng cao.

ThS.BS Trang Thanh Minh Châu (Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang) cho biết: “Bệnh TCM gia tăng, nhiều trẻ chuyển nặng. Thường thì TCM cao điểm tháng 4, tháng 9 đến tháng 12, năm nay mới tháng 6 mà số ca tăng vọt. Tháng 4 có 40 ca bệnh nằm viện, nhưng qua tháng 6, mới nửa tháng lượng bệnh đã tăng gấp đôi. Bệnh tăng nhanh, nhiều và sớm, mức độ nặng, diễn tiến nặng hơn năm ngoái”.

Đang chăm sóc con bệnh TCM, chị Thi (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) cho biết, bé bị sốt nên đưa vào bệnh viện được bác sĩ chăm sóc nên mau khỏe, không còn quấy khóc. Chị Lê Nguyễn Thùy Trang (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, dù không đi nhà trẻ, được giữ cẩn thận trong nhà, thường xuyên rửa đồ chơi của bé, nhưng bé vẫn bị bệnh phải nhập viện…

Tập trung kiểm soát

Ngành y tế tăng cường giám sát và phát hiện ca bệnh, triển khai xử lý kịp thời các ổ dịch không để bùng phát. Các địa phương đã củng cố ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người từ huyện đến xã; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng bệnh SXH dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh và đồng loạt ra quân chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân “Tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH”.

Triển khai các tổ tự quản ở từng xã đăng ký thực hiện “Tổ tự quản không có lăng quăng”. Thành lập đội chống dịch cơ động, đội phun hóa chất chuyên nghiệp; mỗi xã có đội đặc nhiệm để xử lý dịch bệnh. Duy trì và củng cố điểm nuôi cá nhằm đủ nguồn phục vụ xử lý lăng quăng tại ổ dịch...

Trung tâm Y tế cấp huyện phối hợp Đài Truyền thanh đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Trạm Y tế xã truyền thông đến các hộ gia đình, khu dân cư; tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch bệnh SXH, TCM; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất cho công tác dự phòng dịch bệnh lây lan.

Trẻ được hướng dẫn vệ sinh cá nhân cẩn thận trước và sau khi ăn

Trẻ được hướng dẫn vệ sinh cá nhân cẩn thận trước và sau khi ăn

BS Nguyễn Thị Sương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn cho biết: “Trước khi dịch bệnh SXH, TCM diễn biến phức tạp, huyện triển khai chiến dịch truyền thông “bàn tay sạch”, treo băng-rôn, truyền thông lưu động trên địa bàn 76 ấp, nhất là khu dân cư, chợ, hàng quán... Tập huấn cho lực lượng y tế về các dấu hiệu nhận biết cũng như theo dõi trong quá trình điều trị”.

Tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết

Tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết

Trạm y tế các địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH, TCM đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ; thường xuyên cung cấp các thông điệp, khuyến cáo về phòng, chống bệnh đến các khu dân cư. Đồng thời, triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch triệt để.

Đối với mỗi ca bệnh, ngành y tế địa phương tổ chức đoàn giám sát và hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa hộ dân trong bán kính 200m; cấp dung dịch Cloramin-B cho gia đình có trẻ dưới 5 tuổi và hướng dẫn thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ...

Ngăn chặn mỗi sinh sản, phát triển

Ngăn chặn mỗi sinh sản, phát triển

Diệt lăng quăng

Diệt lăng quăng

“Để phòng bệnh SXH, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Đối với bệnh TCM, người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch sau khi đi ra ngoài trở về nhà, sau khi đi vệ sinh, trước khi chăm sóc trẻ, chế biến thức ăn và cho trẻ ăn; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sân nhà bằng xà bông hoặc dung dịch nước tẩy; cho trẻ ăn chín, uống chín, vệ sinh sạch sẽ chén, dĩa. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh SXH hoặc TCM, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, chăm sóc theo dõi và điều trị kịp thời" - BS Nguyễn Thị Sương khuyến cáo.

Ngày 17/7, UBND tỉnh An Giang ban hành Công văn 873/UBND-KGVX chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền vì hiện tượng El Nino. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại. Chính quyền các cấp chỉ đạo và huy động các ban, ngành phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các dụng cụ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi để tiêu diệt bọ gậy.

Yêu cầu Sở Y tế An Giang giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Đồng thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh…

Ngành y tế phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại trường học, nhất là các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH, TCM, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh để xử lý triệt để.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (TP. Long Xuyên) Trần Thị Thanh Trúc cho biết: "Hè này, trường dạy 5 lớp, với 120 em từ nhóm trẻ đến mẫu giáo, từ ngày 5/6 đến 30/7, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM. Nhà trường quan tâm đến sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ trong từng bữa ăn, sinh hoạt. Trước và sau khi ăn, các bé được nhắc nhở rửa tay bằng xà bông để giữ vệ sinh, hình thành thói quen tốt. Tích cực tuyên truyền về dịch bệnh TCM, SXH, cảm cúm... và yêu cầu giáo viên phải rửa tay cho trẻ trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh".

Cô Lê Thị Kim Phượng (Trường Mầm non Hoa Phượng) chia sẻ: "Thứ 6 hàng tuần, trường đều thực hiện tổng vệ sinh (quét dọn vệ sinh, tẩy rửa lau sàn và đồ chơi…) để các bé sử dụng hàng ngày. Cùng với giữ gìn vệ sinh sạch sẽ dụng cụ học tập và đồ chơi, nhà trường rất chú trọng đến khâu an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh khu vực chế biến, bếp ăn. Đồng thời, giáo dục cho trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân ở trường cũng như ở nhà"…

HẠNH CHÂU - PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-chu-dong-kiem-soat-benh-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-a369127.html