An Giang có Viện Biến đổi khí hậu

Việc thành lập Viện Biến đổi khí hậu (BĐKH) thuộc Trường Đại học An Giang (ĐHAG) là bước ngoặt quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường ở khu vực ĐBSCL.

Ngày 19-1-2022, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 30/QĐ-ĐHQG về việc thành lập Viện BĐKH, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, thuộc Trường ĐHAG. Việc thành lập Viện BĐKH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường ở khu vực ĐBSCL. Với nguồn lực hiện có của Trường ĐHAG và sức mạnh của hệ thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thì việc thành lập Viện BĐKH là giải pháp mang tính chiến lược. Do nằm trong hệ thống của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nên Viện BĐKH có thể tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chất lượng cao; thông qua quan hệ hợp tác của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện BĐKH có thể tranh thủ các mối quan hệ này để phát triển. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo xây dựng Viện BĐKH phát triển lâu dài và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại ĐBSCL, Việt Nam và quốc tế.

Theo đó, Viện BĐKH có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn, chuyển giao và thẩm định khoa học công nghệ; dịch vụ phát triển cộng đồng; quản lý đào tạo và quản lý liên kết đào tạo sau đại học… Lĩnh vực hoạt động của Viện BĐKH là về khí hậu, tài nguyên - môi trường, phát triển bền vững, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Viện BĐKH đặt tại An Giang sẽ đáp ứng được các nhu cầu đào tạo và hỗ trợ phát triển cộng đồng về lĩnh vực BĐKH, nhất là gia tăng uy tín và vị thế của Trường ĐHAG.

PGS.TS Vũ Hải Quân trao quyết định thành lập Viện Biến đổi khí hậu, thuộc Trường Đại học An Giang

Nhiệm vụ của Viện BĐKH là thực hiện các công trình nghiên cứu phức hợp về khí hậu, tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững; thực hiện các nghiên cứu về nông nghiệp - phát triển nông thôn và phát triển bền vững; tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ phát triển cộng đồng để đóng góp vào phát triển bền vững của địa phương và khu vực. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan để hỗ trợ giám sát lĩnh vực phức hợp về khí hậu, tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững, xây dựng các hệ thống theo dõi về BĐKH…

Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý đào tạo sau đại học để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại, hội thảo khoa học và tập huấn nhằm thúc đẩy trao đổi chuyên môn và nâng cao năng lực. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, như: Ký kết các thỏa thuận hợp tác với nước ngoài; hợp tác nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án; trao đổi kinh nghiệm và tham gia các tổ chức, mạng lưới liên quan lĩnh vực BĐKH, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, nông thôn…

“Việc thành lập Viện BĐKH thuộc Trường ĐHAG là vinh dự và là trách nhiệm lớn của trường. Cùng với những thuận lợi thì còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có yếu tố về đội ngũ chuyên gia để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển. Ban Giám hiệu Trường ĐHAG sẽ luôn quan tâm hỗ trợ và có kế hoạch hợp tác với chuyên gia các viện, trường nhằm phát huy thế mạnh, để Viện BĐKH hoạt động hiệu quả cao nhất, góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc đang đặt ra ở ĐBSCL, mà An Giang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng, như: Sạt lở, xâm nhập mặn, BĐKH…” - PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐHAG chia sẻ.

PGS.TS Vũ Hải Quân (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, khi Trường ĐHAG là thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thì sứ mệnh gắn với sự phát triển của vùng ĐBSCL, chứ không riêng tỉnh An Giang, phục vụ chiến lược phát triển vùng và cả nước. ĐBSCL đang gánh chịu tác động do BĐKH, trong đó có xâm nhập mặn (ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt, sản xuất và đời sống dân sinh). Vấn đề BĐKH đang đặt ra thách thức lớn trong thời gian tới, do đó Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn xác định trách nhiệm đối với sự phát triển của ĐBSCL cũng như miền Đông Nam Bộ…

“Tôi cho rằng, thành lập Viện BĐKH là góp phần phát huy sức mạnh tổng thể của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong việc nghiên cứu để thích ứng với BĐKH. Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện được sứ mệnh của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đối với ĐBSCL; phát huy tổng thể về nguồn lực (con người, khoa học công nghệ, tài chính, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế) để thực hiện các nghiên cứu; nâng chất các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của Trường ĐHAG và ĐBSCL nói chung” - PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết.

PGS.TS Vũ Hải Quân yêu cầu khẩn trương kiện toàn bộ máy, nhân sự để Viện BĐKH sớm triển khai hoạt động. Trường ĐHAG cùng với Viện BĐKH sớm xây dựng chiến lược phát triển nghiên cứu BĐKH của tỉnh, vùng ĐBSCL; đồng thời, có chương trình hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, sứ mệnh, mục tiêu đặt ra... góp phần giải quyết các vấn đề liên quan BĐKH đang cấp bách hiện nay.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-co-vien-bien-doi-khi-hau-a328020.html