An Giang gỡ khó cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động

Sau giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, cùng với sự phục hồi sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh An Giang đã tăng cường tuyển dụng nguồn lao động cho mục tiêu mở rộng quy mô. Tuy nhiên, song song với việc thu hút nguồn lao động, ngành chức năng còn chỉ ra nhiều vấn đề DN nên cải thiện để giữ chân người lao động (NLĐ) tốt hơn.

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Qua khảo sát của ngành chức năng, toàn tỉnh có khoảng 20 DN đang cần tuyển dụng trên 15.500 lao động phổ thông, tập trung ở các lĩnh vực: May mặc, thủy sản, da giày, cơ khí chế tạo máy… Hiện nay, các DN chỉ mới tuyển dụng được hơn 2.400 lao động. Tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), Công ty TNHH An Giang Samho có nhu cầu tuyển dụng 4.000 lao động, trong đó cần 3.600 lao động nữ. Hiện chỉ mới tuyển dụng được 600 lao động so nhu cầu, dù đã thông báo chế độ thưởng cho công nhân mới từ 800.000 đến 2 triệu đồng và duy trì trong 7 tháng.

Bà Dương Thị Mỹ Trang (Phòng Nhân sự, Công ty TNHH may mặc Lu An) cho biết, công ty đang có hơn 1.900 lao động làm việc và có nhu cầu tuyển dụng mới 2.000 lao động. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới tuyển dụng được chưa đến 20%. Ngoài 2 DN này, trong Khu công nghiệp Bình Hòa và Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) còn có 8 công ty đang tuyển dụng lao động số lượng lớn.

Các sở, ngành làm việc với doanh nghiệp về tình hình lao động

Đi kèm thông báo tuyển dụng, các DN còn thông báo chế độ đãi ngộ dành cho lao động mới. Điển hình như Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Hòa Phát (huyện Châu Phú) sẽ hỗ trợ cho NLĐ có tay nghề từ 1-1,5 triệu đồng. Công ty Cổ phần Nam Việt cho hay, những lao động chưa có tay nghề sẽ được DN hỗ trợ học việc 18.000 đồng/giờ. Đồng thời, trong 3 tháng liên tục sẽ áp dụng phụ cấp cho công nhân mới từ 800.000 đồng/tháng, phụ cấp đủ công từ 700.000 đến 1 triệu đồng/tháng (tùy bộ phận). Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (chi nhánh 5) chuyên sản xuất mũ và giày đang tuyển khoảng 1.500 lao động phổ thông, công khai các chế độ NLĐ được thụ hưởng khi đến làm việc, như: Lương chuyên cần, nhà ở, hỗ trợ NLĐ nuôi con nhỏ, thưởng hoàn thành sản lượng, các quyền lợi đối với lao động nữ đúng quy định bên cạnh các chế độ bảo hiểm đầy đủ.

Cần cải thiện chính sách

DN cho biết, tuyển dụng lâu nay đã khó, nay giữ được chân NLĐ càng khó hơn. Hầu hết công đoàn các huyện cho rằng, có sự biến động trong lao động là do DN chưa thực hiện tốt chính sách dẫn đến tình trạng “nhảy việc” thường xảy ra. Mặt khác, môi trường ứng xử ở một số DN còn phức tạp, chưa được hài hòa nên nảy sinh những bức xúc trong NLĐ dẫn đến lao động nghỉ việc. Hiện nay, ngoài số lao động trong độ tuổi ở vùng nông thôn, chủ yếu gắn bó với việc làm tự do, các DN còn quan tâm thu hút những lao động ngoài tỉnh trở về. Vì đây là những lao động có tay nghề, tác phong làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật khá tốt, năng suất lao động cao…

NLĐ cho rằng, chính sách của các công ty chưa đủ thu hút so với những nơi họ từng gắn bó, nhất là các DN lớn ở khu công nghiệp ngoài tỉnh. “Ngoài mức lương cao hơn, công nhân còn được hưởng các quyền lợi, như: Đi du lịch, phụ cấp ngoài giờ, tăng ca, những chế độ tương tự hỗ trợ ăn uống, chỗ ở, đi lại... công ty trong tỉnh đều thấp hơn. Nhu cầu đời sống ngày càng tăng, công nhân cần những chế độ đảm bảo cho cuộc sống, trang trải cho gia đình và nếu có thể tích lũy càng tốt. Lao động ở lại làm việc trong tỉnh đa số vì có nhu cầu muốn ở gần gia đình, tiết kiệm khoản nào hay khoản đó. Vì vậy, nhiều người chọn đi làm xa vất vả nhưng tích góp được chút ít vẫn hơn là làm vừa đủ” - chị Hồ Thị Kiều Loan (công nhân ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Để nắm bắt tình hình và nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay, các cơ quan: Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã có buổi làm việc với đại diện các DN. Sau khi nghe DN trình bày khó khăn, nguyện vọng được hỗ trợ từ ngành chức năng, cơ quan cấp tỉnh đã đưa ra giải pháp cùng những đề xuất cần thiết đối với DN trong thời gian tới. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị, với những thông tin tuyển dụng, các DN cần đẩy mạnh phối hợp kết nối với các địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm kiếm nguồn lao động có nhu cầu tìm việc, đặc biệt là những lao động yếu thế.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố cùng hỗ trợ thông tin tuyên truyền, tăng cường phiên giao dịch việc làm lưu động ở các khu công nghiệp, địa phương giúp NLĐ và DN kết nối dễ dàng hơn… Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ, LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần chủ động tham mưu cho chủ DN thực hiện tốt các chính sách cho NLĐ. Là người sử dụng lao động, để duy trì nguồn lao động lâu dài, DN cần xây dựng kế hoạch cho nhu cầu tuyển dụng gửi đến tổ chức công đoàn các cấp để được hỗ trợ, tuyên truyền, vận động NLĐ.

Bên cạnh đó, DN cần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công bố cụ thể các chính sách, đãi ngộ cho NLĐ và thực hiện đúng với cam kết. Ngoài đăng thông tin tuyển dụng, DN có thể đề nghị sở, ngành cấp tỉnh và huyện hỗ trợ đào tạo nghề nguồn lao động theo yêu cầu. Đặc biệt, khi đã tuyển dụng được lao động, DN cần phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các vấn đề trong quan hệ lao động, đặc biệt là các chế độ, như: Bữa ăn ca, chăm lo cho lao động nữ, phúc lợi đi kèm các chế độ đã thực hiện theo quy định… đảm bảo chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-go-kho-cho-doanh-nghiep-tuyen-dung-lao-dong-a328022.html