An Giang gỡ khó tín dụng cho doanh nghiệp
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả chung của tỉnh, giúp dòng vốn tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng không bị gián đoạn, phục vụ hiệu quả quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nếu có tiếp cận được thì lãi suất hiện quá cao, khiến không ít DN gặp khó khăn.
Tín dụng phục vụ cho vay phát triển kinh tế
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Năm 2023, hệ thống ngân hàng An Giang tập trung các giải pháp tín dụng phục vụ cho vay phát triển kinh tế; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát bình quân khoảng 4,5%. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%.
Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương trên tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng DN, hợp tác xã về các chính sách của ngân hàng hỗ trợ DN. Giải ngân theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt kết quả cao. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 2/2023 đạt 105.184 tỷ đồng, tăng 3,04% so cuối năm 2022, tăng 11,56% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay DN 25.868 tỷ đồng, chiếm 24,59% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, so cuối năm tăng 5,12%, so cùng kỳ tăng 10,03%. Chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng đạt khá tốt, nợ xấu chiếm 1,01%/tổng dư nợ”.
Chương trình cho vay vốn chủ yếu phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo với dư nợ cho vay đạt 11.406 tỷ đồng; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu 13.354 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 180 tỷ đồng (doanh số cho vay từ đầu chương trình hơn 6.000 tỷ đồng); cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp 38 tỷ đồng, 209 khách hàng còn dư nợ (doanh số cho vay từ đầu chương trình 2.554 tỷ đồng). Chất lượng tín dụng tốt, nợ xấu chiếm 0,83% trên tổng dư nợ. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank) cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ có dư nợ tín dụng 212 tỷ đồng, với doanh số cho vay từ đầu chương trình 790 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã tiết giảm chi phí hoạt động và giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn khách hàng, có những gói tín dụng ưu đãi đồng hành cùng DN phục hồi. Kết quả cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước đến cuối tháng 2/2023, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã giải ngân hỗ trợ lãi suất với tổng doanh số cho vay từ đầu chương trình 1.044 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 531 tỷ đồng cho 6 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất 2,15 tỷ đồng. Kết quả này chưa đạt so với kỳ vọng, chủ yếu do khách hàng không đủ điều kiện hỗ trợ, hoặc đủ điều kiện nhưng do tâm lý e ngại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sau này.
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Triển khai từ năm 2017 đến nay, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do NHNN chi nhánh An Giang tổ chức đạt nhiều kết quả. Thông qua đối thoại nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, người dân trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, vướng mắc về cơ chế, phản biện chính sách. Từ đó, kịp thời tháo gỡ, nhất là những khó khăn trong cải cách hành chính, thủ tục...
Để tiếp tục nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vừa qua, NHNN chi nhánh An Giang tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa các chi nhánh ngân hàng thương mại và DN. Các ngân hàng thương mại, DN đề xuất tăng room tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng các DN: Khối DN, nhất là DN nhỏ, hiện vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó có nguyên nhân về thủ tục vay vốn, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn vay của DN còn khiêm tốn...
Giám đốc Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân chia sẻ: “DN xe tải gặp khó khăn khi đáo hạn, nên khó trả nợ vay. Bảo hiểm tiền vay nhà nước đã chấn chỉnh, nhưng cần thiết thực hơn, bởi DN vay phải có bảo hiểm tiền vay lãi suất mới nhẹ. Hiện lãi còn cao, NHNN cần có quyết sách điều chỉnh lãi suất mới mong gỡ khó cho hoạt động vận tải”.
Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh Farm (huyện An Phú) Trương Minh Cường cho biết: “Hợp tác xã cần vốn đầu tư nhiều nhưng khó tiếp cận vốn vay, do không có tài sản thế chấp là bất động sản, tài sản hình thành không được chấp nhận. Kiến nghị Agribank An Giang tháo gỡ, để các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn”.
Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh An Giang Trần Thị Lối chia sẻ: “10 năm qua, đơn vị có sản phẩm cho vay khách hàng phát triển nông nghiệp Tứ giác Long Xuyên, không phát sinh nợ quá hạn. Trọng tâm, đã cho DN vay nuôi trồng thủy sản và lương thực theo hình thức chuỗi khép kín, vì thế quản lý dòng tiền rất chặt chẽ. Kể cả quản lý khách hàng cá nhân cũng cho vay khép kín theo chuỗi, từ nuôi trồng đến xuất khẩu. Do đó đề xuất, cần tăng room tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời kiến nghị NHNN có thêm cơ chế, chính sách để DN, người dân có nguồn vốn tham gia chuỗi liên kết sản xuất...
Tại buổi đối thoại còn được nghe chia sẻ kinh nghiệm từ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn về chuỗi giá trị khép kín, từ sản xuất hữu cơ, đến thu mua tiêu thụ sản phẩm lúa gạo với nông dân, hợp tác xã và DN, thông qua quản lý dòng tiền, từ phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho người trồng lúa và giảm thiểu rủi ro khi thị trường có biến động.
Giám đốc NHNN chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, những khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã, NHNN sẽ phối hợp các sở, ban, ngành và các ngân hàng tháo gỡ. Không để xảy ra tình trạng DN, hợp tác xã có khả năng phục hồi sản xuất - kinh doanh không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-go-kho-tin-dung-cho-doanh-nghiep-a358680.html