An Giang: Hiệu quả từ một đề án
Qua 5 năm (2016-2021) thực hiện Đề án tiếp thị xã hội và xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn An Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân theo phương thức xã hội hóa các phương tiện tránh thai, tạo chuyển đổi nhận thức từ bao cấp đến xu hướng xã hội hóa về công tác dân số - KHHGĐ.
Làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ An Giang Mai Văn Gấm, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể, góp phần thực hiện thành công Đề án tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Cán bộ tham gia phụ trách đề án từ tuyến tỉnh đến cơ sở được tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, phân phối sản phẩm. Với những hoạt động được triển khai từ cấp tỉnh tới cơ sở, góp phần không nhỏ hoàn thành các chỉ tiêu dân số - KHHGĐ hàng năm.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động của đề án, từ năm 2016 - 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu Sở Y tế ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai các hoạt động đề án; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; thành lập Ban Quản lý đề án xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về sự cần thiết, lợi ích, hiệu quả trong thực hiện tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai, tạo dư luận đồng tình trong thực hiện đề án.
Từ năm 2016 - 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, như: Xây dựng kế hoạch phương tiện tránh thai, kế hoạch đảm bảo an ninh phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường. Triển khai thí điểm mô hình, thực hiện mua sắm và đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai có chất lượng theo kế hoạch được duyệt. Tổ chức đánh giá khả năng tiếp cận, sự chấp nhận sản phẩm phương tiện tránh thai của người dân. Tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, cung cấp thông tin, kiến thức; truyền thông sự kiện về tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai đến các nhóm đối tượng. Tổ chức truyền thông về một số chủng loại phương tiện tránh thai mới tại địa phương. Nhân bản tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn về các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bản tin, phóng sự trên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang. Triển khai các văn bản về công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Triển khai mô hình xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại cơ sở y tế công lập. Triển khai mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế ngoài công lập và thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn, kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại cơ sở y tế ngoài công lập. Tăng cường kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn thực hiện đề án...
Tăng cường đào tạo, tập huấn
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp Ban Quản lý đề án Tổng cục Dân số - KHHGĐ tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý và phân phối sản phẩm cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã, có 195 học viên tham dự. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, phân phối sản phẩm, kỹ năng tư vấn cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho cán bộ tuyến huyện, tuyến xã, có 180 học viên tham dự. Ngoài ra hàng năm, tập huấn cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số mới tuyến cơ sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện.
Từ năm 2016 - 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang tiếp nhận và phân phối các phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS/KHHGĐ do Tổng cục Dân số - KHHGĐ cung cấp. Cụ thể, sản phẩm xã hội hóa: 36.672 vỉ thuốc tránh thai; 75.168 bao cao su; 4.750 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ; 70 hộp viên sắt. Sản phẩm tiếp thị xã hội: 280.500 bao cao su; 128.661 thuốc viên tránh thai; 6.300 vòng tránh thai.
Tuy đạt nhiều kết quả, song vẫn còn hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn gặp khó khăn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc; các phương tiện tránh thai của đề án chưa đa dạng, nhất là các biện pháp tránh thai lâm sàng như thuốc cấy, thuốc tiêm tránh thai...
Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch 1637/KH-SYT của Sở Y tế phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030. Tăng cường thực hiện đề án tại các địa phương; điều chuyển, các phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội và sản phẩm xã hội hóa cho các trung tâm y tế thực hiện tốt các chỉ tiêu. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối.
Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện. Tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh công tác tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho mọi người dân. Xây dựng mạng lưới phân phối theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, phối hợp phòng y tế kiểm tra, giám sát chất lượng phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế tư nhân.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-hieu-qua-tu-mot-de-an-a355892.html