An Giang hỗ trợ 'An cư lạc nghiệp' cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên

Thời gian qua được các cấp ủy, chính quyền tỉnh An Giang xác định thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo 'An cư lạc nghiệp', đặc biệt hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới không đơn thuần chỉ là triển khai một chủ chương, chính sách mà đây thực sự còn là một phong trào mang tính toàn dân và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, cũng như khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng, gia đình, làng xóm.

Vợ chồng ông Chau Rưm tại ấp An Hòa (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) phấn khởi khi được ở trong căn nhà hỗ trợ cho hộ nghèo DTTS. Ảnh: Hữu Lợi

Vợ chồng ông Chau Rưm tại ấp An Hòa (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) phấn khởi khi được ở trong căn nhà hỗ trợ cho hộ nghèo DTTS. Ảnh: Hữu Lợi

Hỗ trợ “An cư lạc nghiệp” cho đồng bào DTTS vùng biên giới

Nhằm giúp người dân nghèo ở các huyện miền núi biên giới có nhà ở ổn định, an toàn, UBND tỉnh An Giang ký Quyết định số 2659/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, với tổng nhu cầu vốn thực hiện trên 111,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 74,9 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương gần 7,5 tỷ đồng; các nguồn vốn hợp pháp khác trên 29 tỷ đồng.

An Giang có 11 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, Tri Tôn thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện hộ nghèo, cận nghèo trong huyện vẫn còn nhiều, chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu, xã tiếp giáp biên giới và xã có nhiều người DTTS.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, ông Cao Quang Liêm cho biết: Theo đề án, tại huyện miền núi biên giới Tri Tôn có tổng cộng 33.062 căn nhà thuộc Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhà ở tạm bợ là 1.958 căn (chiếm 5,92% tổng số nhà ở toàn huyện), khu vực nông thôn 1.670 căn, khu vực đô thị 230 căn. Cụ thể có 1.081 hộ nghèo (xây mới 1.002 hộ; sửa chữa 79 hộ) và 877 hộ cận nghèo (xây mới 785 hộ; sửa chữa 92 hộ). Phần lớn nhà ở có kết cấu là cột tre hoặc bạch đàn, vách lá, mái lá... không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đặc biệt khi có bão hoặc giông lốc xảy ra.

Hiện xã Ô Lâm đứng đầu với 409 hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở, tiếp là xã An Tức (200 hộ), Lạc Quới (174 hộ), Châu Lăng (168 hộ), Vĩnh Gia (146 hộ), Tân Tuyến (145 hộ)… Dự kiến năm 2023, sẽ có 700 hộ được hỗ trợ, năm 2024 là 700 hộ. Số còn lại được hỗ trợ vào năm 2025. Tương ứng với đó là tiến độ huy động vốn, từ 32 đến gần 40 tỷ đồng/năm.

“Đối với hỗ trợ nhà ở, huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Sau khi được xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở của các hộ nghèo, cận nghèo được đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo “3 cứng” (nền, móng cứng; khung, tường cứng; mái cứng), tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, giông lốc” - ông Liêm nói.

Để triển khai Đề án hiệu quả, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn là cần thiết, phù hợp với thực trạng về nhà ở và mong muốn của người dân. Đồng thời, dự án thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, cụ thể là chăm lo chỗ ở cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo. Từ đó, người dân an tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo, góp phần phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo.

Nhà nước lo nhà, mình lo xây tổ ấm

Tiếp tục hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, cấp ủy, chính quyền tỉnh An Giang luôn chăm lo đời sống cho người nghèo, trong đó việc thực hiện xây nhà ở cho hộ nghèo được đặc biệt quan tâm. Qua đó, nhiều gia đình đã có cơ hội được xây dựng, sửa chữa nhà ở, cải thiện đời sống. Đây là nguồn động viên rất lớn giúp hộ nghèo có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách về kinh tế, xã hội giữa thành thị và nông thôn.

Bà Neáng Si Na, ở ấp Phước An (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) được sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp đỡ bà cất được căn nhà đại đoàn kết để che nắng, che mưa. Ảnh: Hữu Lợi

Bà Neáng Si Na, ở ấp Phước An (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) được sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp đỡ bà cất được căn nhà đại đoàn kết để che nắng, che mưa. Ảnh: Hữu Lợi

Là hộ nghèo của xã, nhiều năm qua, gia đình bà Neáng Si Na, ở ấp Phước An (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) nhà sập đã lâu nhưng không có khả năng cất lại, bản thân bà bị bệnh, còn người con ở chung không có việc làm ổn định. Trước hoàn cảnh của gia đình bà, Ban Chỉ đạo vận động xây nhà ở cho hộ nghèo của xã Ô Lâm đã xem xét hỗ trợ bà xây được căn nhà.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vừa mới xây xong, bà Neáng Si Na xúc động chia sẻ: “Tôi ở đậu nhà đứa cháu 3 năm rồi mà chưa có tiền cất nhà, hoàn cảnh quá khó khăn nên chuyện cất được căn nhà chắc chắn là một ước mơ quá xa vời đối với gia đình tôi. Giờ được Nhà nước hỗ trợ cất lại cái nhà, mấy đứa con tôi thấy vậy mỗi đứa cũng cho thêm một ít tiền để hùn vô làm nhà được chắc chắn hơn. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp đỡ tôi cất được căn nhà đại đoàn kết, nếu không có sự hỗ trợ này, không biết đến khi nào tôi mới có căn nhà để che nắng, che mưa”.

Còn gia đình ông Chau Rưm tại ấp An Hòa (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) cũng phấn khởi không kém khi được ở trong căn nhà vững chãi. Nhớ lại những tháng ngày vất vả khi phải sống trong căn nhà trống trước hở sau, ông Chau Rưm tâm sự: Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có ruộng nương, kinh tế gia đình phụ thuộc vào tiền công nhật làm phụ hồ của tôi, còn vợ tôi làm thuê giặm lúa, thu hoạch đậu phộng. Bao năm qua vợ chồng con cái chúng tôi đã phải tá túc trong căn nhà lụp xụp, mỗi khi mùa mưa về thì dột nước khắp nơi. Công việc vất vả, nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu, không dám nghĩ tới chuyện cất nhà.

“Năm 2022 được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo DTTS thay cho căn nhà dột nát trước đây. Khi được Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình tôi đã góp thêm gần 30 triệu đồng để xây căn nhà mới, chúng tôi vui lắm, giờ yên tâm, tập trung làm ăn để có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn” - ông Chau Rưm nói.

Chuyện có được ngôi nhà ở tránh mưa, tránh nắng của nhiều hộ đồng bào DTTS ở An Giang, bây giờ không còn là niềm mơ ước nữa, mà đã dần trở thành hiện thực. Các hộ đều được xét cấp theo định mức làm mới, hoặc sửa chữa nhà ở. Những cách làm thiết thực trong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS vùng biên đã giúp các hộ nghèo có nhà ở kiên cố vững chắc. Từ đó giúp hộ nghèo phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần đưa hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Hữu Lợi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/an-giang-ho-tro-an-cu-lac-nghiep-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vung-bien-post465222.html