An Giang hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ nông sản
Theo UBND tỉnh An Giang, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ các loại nông sản, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát lại diện tích, sản lượng lúa gạo và cây ăn trái còn tồn trong dân. Tỉnh cũng thực hiện điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa nếp, tăng diện tích cây ăn trái, rau màu; tập trung tái đàn lợn để cân đối cung cầu trong nước. UBND tỉnh chỉ đạo ngành công thương đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước thông qua hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng tại các tỉnh, thành phố lớn đối với ba loại nông sản là lúa nếp, cá tra và xoài; yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn rà soát và hướng dẫn doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19 tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, UBND tỉnh An Giang kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn cải tiến dây chuyền sản xuất, mở rộng kho chứa, kho lạnh... Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng địa phương trong việc triển khai các gói hỗ trợ theo chỉ thị của Chính phủ; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, giãn nợ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, so với cùng thời điểm năm 2019, giá lúa gạo năm nay cao hơn từ 100 đến 350 đồng/kg thóc tẻ và 800 đến 850 đồng/kg thóc nếp. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 3 trở đi, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ giảm lượng mua vào. Nguyên nhân do tình hình xuất khẩu chậm, kho chứa của các doanh nghiệp đầy, tiền thuê kho chứa tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng do thời gian thuê kéo dài, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn lưu động,…
* Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình cung ứng điện từ tháng 3 đến tháng 6 sẽ gặp nhiều khó khăn do lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục giảm, trong khi nắng nóng khả năng xuất hiện sớm. Vì vậy, EVN đang tập trung các giải pháp, huy động nguồn phát để bảo đảm cung ứng điện thời gian tới và trong cả năm 2020.
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia dự báo, đến tháng 7, nguồn nước trên các sông suối thuộc các khu vực Bắc Bộ, miền trung, Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt từ 20 đến 60% so với trung bình nhiều năm. Theo tính toán của Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện quốc gia, tổng sản lượng thủy điện toàn hệ thống sáu tháng mùa khô năm 2020 sẽ giảm 4,2 tỷ kWh so với kế hoạch. Điều này không chỉ tạo áp lực lớn cho hệ thống điện mà việc đáp ứng các yêu cầu cấp nước ở vùng hạ du và mực nước tối thiểu theo quy trình điều tiết cũng rất khó khăn. Ðể bảo đảm điện mùa khô, EVN dự kiến sẽ huy động sản lượng nhiệt điện than tăng thêm 2,96 tỷ kWh; đồng thời, tăng thêm sản lượng nhiệt điện dầu giá cao 1,52 tỷ kWh, nâng tổng sản lượng nhiệt điện dầu cả năm lên hơn bốn tỷ kWh. Bên cạnh đó, EVN triển khai các giải pháp, đề án, chương trình nâng cao độ tin cậy, hiệu suất vận hành các nhà máy điện; bảo đảm vận hành an toàn, liên tục, ổn định các nhà máy điện, lưới điện truyền tải và phân phối; thiết lập kỷ cương và nâng cao kỷ luật vận hành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật vận hành; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ...