Kỳ vọng các phiên hồi trong tuần mới

Tuần qua, VN-Index chính thức xuyên thủng vùng hỗ trợ mạnh 1.230 điểm khiến bên bán có phần mất bình tĩnh, nhưng chưa tới mức hoảng loạn và có thể kỳ vọng các phiên hồi trong tuần này.

Dư âm hưng phấn của cuộc bầu cử dần hạ nhiệt

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận sự lạc quan trong phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần, khi các chỉ số chính đều đóng cửa trong sắc xanh và chỉ số S&P 500 đã bất ngờ chinh phục mốc 6.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Tới cuối tuần, dù các chỉ số chính vẫn sát mức cao nhất lịch sử, đà tăng từ sau cuộc bầu cử đã yếu đi. Dữ liệu CPI toàn phần tại Mỹ tăng 0,2%, còn CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) tăng 0,3% cho thấy mức tăng vừa phải, đúng như kỳ vọng của giới phân tích, không tạo ra cú sốc nhưng cũng không phản ánh nhiều tiến triển về kiềm chế lạm phát.

Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng, nền kinh tế không có dấu hiệu cần phải hạ lãi suất nhanh chóng, khiến xác suất tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 12/2024, từng đạt trên 80% trong giao dịch hợp đồng tương lai đầu tuần, đã nhanh chóng giảm xuống còn hơn 60%, tạo thêm áp lực giảm cho thị trường.

Tương ứng, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) đã vượt ngưỡng Fibonacci 38,2% và hướng tới ngưỡng 50% quanh 107,2, khiến đồng nội tệ các nước đang phát triển bị mất giá và tạo sự chênh lệch trong xu hướng tích cực của S&P500 và chỉ số chứng khoán các nước đang phát triển trên đồ thị vận động tài sản. Đây được đánh giá là ngưỡng cản khá mạnh tại vùng đỉnh 2 năm và được kỳ vọng sẽ đảo chiều hình thành xu hướng giảm dài hạn của đồng USD khi Fed tiếp tục lộ trình hạ lãi suất trong các tháng tới.

Hơn nữa, sự biến đổi trong tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư báo hiệu sự dịch chuyển rõ rệt từ thái độ thận trọng sang tích cực đối với cổ phiếu Mỹ, chủ yếu do kỳ vọng sau bầu cử. Với tâm lý tích cực này, dự báo lợi nhuận từ thị trường tháng 11 đạt mức cao nhất trong 3 năm qua. Bên cạnh chính sách của Fed vẫn là trụ cột hỗ trợ chính, tháng 11 còn chứng kiến động thái tích cực từ chính sách tài khóa của chính phủ, lần đầu từ trạng thái trung lập chuyển sang tích cực nhất kể từ tháng 12/2021. Dù vậy, yếu tố kìm hãm lớn nhất cho cổ phiếu vẫn là định giá, mặc dù lo ngại về vấn đề này đã hạ nhiệt hai tháng liên tiếp kể từ đỉnh cao vào tháng 9.

Xu hướng hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục diễn ra sau khi Chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế quy mô lớn, hỗ trợ đà tăng các chỉ số chứng khoán. Doanh số bán lẻ tháng 10 tăng vượt dự báo, đạt 4,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự kiến 3,8% và tăng từ mức 3,2% trong tháng 9, theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào thứ Sáu. Chỉ riêng lĩnh vực bất động sản là phục hồi chậm, dữ liệu đầu tư bất động sản từ tháng 1 đến tháng 10 giảm 10,3% so với cùng kỳ, sâu hơn so với mức giảm 10,1% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9.

Ở thị trường Nhật Bản, lạm phát bán buôn đã tăng tốc trong tháng 10 khi đồng Yên giảm trở lại, đẩy chi phí nhập khẩu một số hàng hóa tăng lên, theo dữ liệu được công bố vào thứ Tư, làm phức tạp thêm quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) về thời điểm tăng lãi suất. Chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp - đo lường giá mà các công ty tính cho nhau đối với hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 3,4% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của BOJ, cao hơn dự báo thị trường là tăng 3,0%. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda đã nhấn mạnh sự sẵn sàng của BOJ trong việc tăng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát được thúc đẩy nhiều hơn bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ và tiền lương cao hơn, thay vì chi phí nguyên liệu tăng.

Giá dầu tiếp tục xu hướng tích lũy ổn định trong đà hồi phục, dù đà tăng bị ngăn trở bởi đồng USD mạnh. Theo báo cáo thị trường hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ vượt nhu cầu hơn 1 triệu thùng mỗi ngày vào năm tới, chủ yếu do tăng trưởng mạnh mẽ tại Mỹ.

VN-Index kiểm chứng lại các ngưỡng hỗ trợ

Tuần qua, các dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là rổ VN30 hứng chịu lực bán mạnh khiến giá đều bị đẩy về vùng hỗ trợ mạnh, thậm chí một số đã gãy xu thế tăng ngắn hạn sau phiên cuối tuần. Các trọng số lớn của thị trường đều rơi nên các chỉ số cũng không thoát cảnh lao dốc. Nhóm nổi bật nhất khi đi ngược thị trường chính là các cổ phiếu thuộc lĩnh vực xuất khẩu, gồm thủy sản và bất động sản khu công nghiệp.

Trong bối cảnh lo ngại tỷ giá tiếp tục leo thang và DXY đang tiệm cận đỉnh 2 năm gần nhất, rõ ràng dòng tiền trên kênh chứng khoán cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, ngoại trừ các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu mạnh và ghi nhận lãi tỷ giá nhờ lợi nhuận thu về bằng USD. Rất tiếc, đây đều là nhóm cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ nên khó nâng đỡ thị trường lúc này.

Bối cảnh nhiều biến số chưa thể khiến dòng tiền bắt đáy ngắn hạn hành động mạnh mẽ dù mức độ sốt ruột đang tăng lên do mặt bằng giá tiếp tục được chiết khấu ngày càng hấp dẫn. Sẽ cần có ít nhất vài dấu hiệu về sự cân bằng của cung - cầu giúp đà giảm chững lại trong các phiên tới mới kỳ vọng xu thế thị trường sẽ được cải thiện. Theo đó, chiến lược giao dịch tập trung vào hoạt động quản trị rủi ro vẫn là ưu tiên cao nhất ở thời điểm này. Các vị thế nắm giữ cổ phiếu có sử dụng công cụ margin nên cẩn trọng và linh hoạt tận dụng các nhịp hồi kỹ thuật để cắt giảm bớt các tác động tiêu cực của đòn bẩy và tối ưu mức giá để tái cấu trúc lại danh mục. Ở góc nhìn dài hạn hơn, những rung lắc ngắn hạn sẽ là cơ hội để xây dựng được giá vốn tối ưu nhất và chiến lược giải ngân từng phần có thể được kích hoạt điểm mua thăm dò đối với cổ phiếu các doanh nghiệp tăng trưởng cao và định giá hấp dẫn.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ky-vong-cac-phien-hoi-trong-tuan-moi-post358189.html