An Giang kết nối, cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp

Trước tình hình doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng, buộc phải sắp xếp thu hẹp sản xuất - kinh doanh (SXKD) đã ảnh hưởng việc làm của người lao động (NLĐ). Ngoài nguyện vọng tìm được việc làm mới ổn định, đa số công nhân còn mong muốn có chính sách để được đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ để có cơ hội lựa chọn vị trí việc làm tốt, thu nhập cao hơn.

Đẩy mạnh các giải pháp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại thị trường làm việc

Đẩy mạnh các giải pháp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại thị trường làm việc

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (công nhân ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bày tỏ mong muốn DN có thêm đối tác để ổn định sản xuất, NLĐ có việc làm và thu nhập ổn định. Kỳ vọng của chị Hằng cũng như nhiều lao động đến nay đã có thể lạc quan phần nào. Tuy trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN đã có tín hiệu khởi sắc so giai đoạn trước.

Đơn cử tại huyện Thoại Sơn, đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ cho biết, DN đang trong quá trình phục hồi và mở rộng quy mô SXKD nên có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động. Công ty kiến nghị các ngành chức năng tăng cường giải pháp hỗ trợ DN trong công tác tuyển dụng lao động, đảm bảo nguồn lao động phục vụ sản xuất.

Theo Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thoại Sơn Nguyễn Thiện Pháp, thời gian qua, chương trình việc làm được quan tâm đẩy mạnh. Để hỗ trợ DN trong tuyển dụng lao động, đơn vị đã tham mưu để chủ động nắm bắt tình hình hoạt động SXKD, tình hình lao động tại DN. Phòng LĐ-TB&XH đã và đang quan tâm công tác tư vấn việc làm, hướng nghiệp, tuyển sinh. Bên cạnh đó, còn có các giải pháp phát triển thị trường lao động, điều tra, cập nhật biến động cung - cầu lao động để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp nguồn lao động.

“Năm qua, chúng tôi phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ngày hội tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp có 60 đơn vị DN tham gia cả trực tuyến và trực tiếp. Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH còn tuyên truyền, tư vấn cho trên 10.000 lao động ở các xã, thị trấn về nhu cầu tuyển dụng lao động. Riêng đầu năm 2023 đến nay đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.700 lao động cho các công ty, xí nghiệp. Dự kiến trong quý III/2023, chúng tôi tiếp tục tổ chức phiên giao dịch việc làm quy mô cấp huyện, mời khoảng 25 DN tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động” - ông Nguyễn Thiện Pháp thông tin.

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình lao động, việc làm của công nhân tiếp tục là vấn đề nóng. Do khó khăn của thị trường, các DN giảm đơn hàng nên có sự sắp xếp lao động, giảm quy mô làm việc. Nhiều lao động đã kiến nghị đến ngành chức năng để có điều kiện học nghề, chuyển nghề hoặc nâng cao tay nghề “vừa học, vừa làm”.

Trước vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Phạm Sơn, các lao động làm việc trong các DN có hợp đồng lao động, khi mất việc làm sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có gói dịch vụ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề. Nếu công nhân rơi vào trường hợp đó, chỉ cần đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đăng ký tìm cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chọn ngành nghề phù hợp để đăng ký học, chi phí học sẽ do ngành bảo hiểm chi trả.

Ông Phạm Sơn thông tin thêm, về đào tạo nói chung, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh hàng năm có kế hoạch và chính sách hỗ trợ cho DN, NLĐ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thay đổi dây chuyền, công nghệ, sản xuất của DN.

Đến nay, tỉnh An Giang đã ký kết với 16 DN, tổ chức đào tạo 178 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 6.222 lao động, với kinh phí hỗ trợ 7,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian qua, ngành nỗ lực phối hợp DN thực hiện chính sách hỗ trợ cho lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, duy trì việc làm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả đã hỗ trợ 8 DN đào tạo hơn 2.300 lao động, tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh chưa có chính sách đãi ngộ thu hút NLĐ trình độ cao, chuyên môn tay nghề cho các DN, công ty trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành LĐ-TB&XH khuyến khích lãnh đạo các công ty có chính sách đãi ngộ riêng để thu hút NLĐ có trình độ phục vụ tại cơ quan, doanh nghiệp của mình.

Thời gian tới, từ kinh phí của tỉnh và nguồn kinh phí của ban chương trình mục tiêu quốc gia, Sở LĐ-TB&XH đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Phòng LĐ-TB&XH huyện, thị xã, thành phố phối hợp DN rà soát nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Sau khi có kết quả khảo sát, ngành sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh có chính sách đào tạo cho lao động trong DN.

“Chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ngành chức năng nghiên cứu giải pháp tập trung việc hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí SXKD thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế và các khoản chi phí khác để khôi phục SXKD” - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Phạm Sơn chia sẻ.

HOÀI ANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-ket-noi-cung-ung-nguon-lao-dong-cho-doanh-nghiep-a366450.html