An Giang khai thác dư địa phát triển nông nghiệp
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, An Giang đã tập trung đầu tư vào chất lượng giống, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chuẩn bị các điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình, cần những cơ chế đột phá cho nông nghiệp.
Thu hút đầu tư
Đánh giá về những nỗ lực của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, An Giang đạt được những dấu ấn đáng ghi nhận. Dấu ấn thứ nhất là về con giống. An Giang đang có giống cá tra 3 cấp theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Bên cạnh đó, còn có những DN đầu tư đàn heo giống và những giống vật nuôi khác, phát triển sản xuất lúa giống, giúp tăng năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, hiệu quả canh tác lúa.
Dấu ấn thứ hai là An Giang đã mời gọi, khuyến khích được nhiều DN lớn tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích DN, hợp tác xã (HTX), nông dân cùng tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng của một hệ sinh thái.
Điều này khắc phục xu hướng DN thường tự tạo con giống, tự nuôi, tự sản xuất theo chuỗi khép kín; còn nông dân, HTX không tham gia vào chuỗi sản xuất được. An Giang đang cố gắng để có sự tham gia của nông dân, HTX vào chuỗi sản xuất của DN. Tỉnh đang thí điểm mô hình của Tập đoàn TH về nuôi bò sữa theo mô hình gắn kết với nông dân, HTX; mô hình liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây, tham gia thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới của Tập đoàn Lộc Trời; mô hình xây dựng HTX để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín của Tập đoàn Tân Long…
Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều thể chế, chính sách để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ưu đãi đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT tập trung kêu gọi DN tham gia làm đầu tàu dẫn dắt, vì chính DN mới làm nên thị trường, làm nên hàm lượng khoa học - công nghệ. DN còn tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sự quan tâm của Trung ương cùng nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh là động lực thúc đẩy nông nghiệp An Giang phát triển.
Đột phá thứ ba là An Giang đã cố gắng chuẩn hóa và triển khai đồng bộ trong hoạt động phòng, chống thiên tai; chủ động kiểm soát lũ, ứng phó thiên tai hiệu quả. Tuy vậy, cần phải đầu tư thêm công nghệ, con người và liên kết với quốc tế để có cảnh báo, dự báo sớm, phân luồng rủi ro thiên tai, thay vì chỉ dự báo gần và lo khắc phục thiệt hại.
Giải bài toán đầu ra nông sản
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, để giảm bớt cảnh “được mùa, mất giá”, An Giang định hướng gắn đầu ra của sản phẩm nông nghiệp với DN. Khi bắt tay vào sản xuất, DN ký hợp đồng chặt chẽ với nông dân, HTX, tham gia cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn của DN.
Theo ông Thư, trên thế giới, nhiều nước phát triển đã thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ. HTX, nông dân tham gia chuỗi được DN ký hợp đồng tiêu thụ, được mua bảo hiểm, được ngân hàng cho vay vốn trên hợp đồng thông qua DN. Như vậy, tài chính, bảo hiểm và DN như là “cái ghế 3 chân”, giúp nông dân yên tâm sản xuất. An Giang đang từng bước gắn sản xuất lúa gạo với Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Tân Long để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đối với cá tra, đang gắn kết với các DN; xoài thì liên kết với DN thông qua HTX, tổ hợp tác sản xuất...
“Tất cả mặt hàng nông sản chủ lực của An Giang từng bước sẽ gắn kết với DN. Khi nào làm được việc đó hoàn chỉnh thì sản xuất nông nghiệp mới bền vững, mới hạn chế được những rủi ro. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện theo từng bước. Bước đầu tiên là quy hoạch vùng chuyên canh, kế đó phải có DN tham gia bao tiêu sản phẩm và bước thứ 3 là nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho vùng quy hoạch” - ông Thư phân tích.
Để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, Bộ NN&PTNT cần tham mưu Chính phủ các cơ chế, chính sách để biến quy hoạch vùng chuyên canh thành hiện thực, từ đó tạo điều kiện cho DN tham gia gắn kết. Đồng thời, sản xuất không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng vì sức khỏe, an toàn. Một yếu tố quan trọng khác là cần tạo thuận lợi tập trung đất đai, hướng đến sản xuất lớn theo chuỗi giá trị…
Một trong những điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là Luật Đất đai 2013 có quy định “hạn điền” và giới hạn đối tượng được chuyển nhượng đất nông nghiệp (người đang hưởng lương, người không trực tiếp canh tác không được chuyển nhượng và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Điều này gây cản trở các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp.