An Giang khai thác thị trường, thúc đẩy tăng trưởng
An Giang là địa phương có thị trường tiêu dùng lớn và sôi động bậc nhất vùng ĐBSCL, đồng thời có nhiều mặt hàng chủ lực với giá trị xuất khẩu cao. Khai thác song hành thị trường nội địa và xuất khẩu là giải pháp giúp thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Mua sắm, tiêu dùng sôi động
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là gia đình chị Hồ Võ Thanh Ngân (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) lại tổ chức chuyến đi xuống An Giang, trước là cúng Bà, tham quan núi Sam (TP. Châu Đốc), sau đó vui chơi ở rừng tràm Trà Sư, lên núi Cấm (TX. Tịnh Biên). Sau đó, qua thăm thú núi non, những hồ nước đẹp ở huyện Tri Tôn.
“Cùng với thưởng ngoạn cảnh đẹp An Giang, gia đình tôi rất thích những món đặc sản của vùng đất này, như: Bún cá, bún mắm Châu Đốc, bánh canh Vĩnh Trung, bánh xèo rau rừng núi Cấm, gà đốt Ô Thum, cùng các món đu đủ đâm, ếch nướng do bà con Khmer chế biến... Đồng thời, mua các sản phẩm khô, mắm, đường thốt nốt, đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm... về làm quà cho người thân, bạn bè” - chị Ngân thông tin.
Bên cạnh yếu tố dân số đông nhất vùng ĐBSCL, việc thu hút đông du khách giúp thị trường hàng hóa An Giang phát triển sôi động. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, tính riêng tháng 5/2024 - cao điểm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 9.423 tỷ đồng, tăng 15,3% so cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 46.619 tỷ đồng, tăng 14,5%, đạt 45,8% kế hoạch năm 2024 (101.740 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 33.825 tỷ đồng, tăng 14,23%; doanh thu dịch vụ trên 12.794 tỷ đồng, tăng 15,21%.
Một trong những ấn tượng của An Giang được du khách hài lòng là dù sức mua tăng, nhưng nguồn cung hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá bán ổn định, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, tạo yên tâm cho người tiêu dùng.
Để tăng trải nghiệm mua hàng cho du khách, Sở Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Đầu tư siêu thị Nam Phong Tây Đô về đề nghị lắp máy bán hàng tự động có chức năng quét mã QR tại các điểm công cộng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ DN và người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử; tiếp tục phối hợp phát triển hạ tầng thương mại biên giới và dịch vụ logistics phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Xuất khẩu hiệu quả
Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhất là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, nhưng với sự nỗ lực chung, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, những mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất khẩu tăng trưởng so cùng kỳ.
Ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 đạt 586 triệu USD, tăng 4,46% so cùng kỳ, đạt 42% kế hoạch cả năm (1,4 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất đạt 504 triệu USD, tăng 5,4% so cùng kỳ, đạt 43% kế hoạch năm 2024 (1,185 tỷ USD); nhập khẩu đạt 83,6 triệu USD, tăng 0,7%, đạt 38,88% kế hoạch năm (215 triệu USD).
Cụ thể, thủy sản xuất khẩu đạt 57.700 tấn, tương đương 110,9 triệu USD, tăng 15,4% về sản lượng và giảm 13% về kim ngạch. Các thị trường chiếm tỷ trọng cao, gồm: Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ...), Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Colombia, Brazil...), Châu Âu (Nga, Hà Lan, Pháp...), Châu Đại Dương và Châu Phi.
Đối với xuất khẩu gạo, ước sản lượng 5 tháng đạt 252.700 tấn, tương đương 151,5 triệu USD, tăng 4,43% về lượng và tăng 14,8% về kim ngạch so cùng kỳ (do giá xuất khẩu tăng). Tỉnh hiện có 14 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; sản phẩm gạo có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Trong khi đó, rau quả đông lạnh ước sản lượng xuất khẩu 5 tháng đạt 56.550 tấn, tương đương 29,4 triệu USD, tăng 18% về kim ngạch. Hàng may mặc (quần áo) xuất khẩu ước đạt 98,5 triệu USD, tăng 10% về kim ngạch.
Đón đầu cơ hội
Theo các chuyên gia kinh tế và thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự báo năm 2024, nguồn cung gạo trên thị trường thương mại toàn cầu tiếp tục giảm, bởi Ấn Độ là quốc gia có nguồn cung gạo lớn (chiếm 40% sản lượng toàn cầu), nhưng sẽ giảm 4 triệu tấn so niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác, như: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... cũng giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 dự báo ở mức 167 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.
Đối với tỉnh An Giang, dự báo xuất khẩu các mặt hàng chủ lực từ nay đến cuối năm 2024 tiếp tục khả quan, bởi các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường có lợi thế với các hiệp định thương mại tự do (FTA), như: Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản; các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng (như Hoa Kỳ) hay các quốc gia Trung Đông vẫn có nhu cầu lớn.
Lợi thế của An Giang là có thể sản xuất, cung ứng quanh năm các sản phẩm thế mạnh, như: Gạo, cá tra, rau quả đông lạnh... Để tận dụng tốt cơ hội thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương cùng các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu gạo gắn kết với Công ty Logistics DP World, thuộc Tập đoàn Logistics của Dubai (tập đoàn này chiếm 10% tổng lượng hàng hóa toàn cầu, có hệ thống kho bãi trên 80 quốc gia).
Từ đầu năm đến nay, có 1 DN gắn kết Logistics DP World xuất khẩu 19 container gạo đi thị trường Châu Phi. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo tỉnh về chương trình hợp tác với Tập đoàn Logistics của Dubai nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu An Giang khai thác các dịch vụ logistics, giảm chi phí, tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm 2024, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương, các viện, trường tổ chức những buổi hội thảo, tập huấn nhằm hỗ trợ DN An Giang tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thị trường Nam Phi, Tây Á, tập huấn “Ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong kinh doanh quốc tế”, khai thác hiệu quả từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước (Lazada, Alibaba...), mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Dubai...