An Giang: Kỳ lạ một khúc sông có đàn cá hơn 100 tấn đổ về sinh sống
Từ ngày có đàn cá về, ông Sáu đã bán đi 1 chiếc phà và giao lại việc làm ăn cho các con để toàn tâm, toàn ý chăm sóc đàn cá hơn 100 tấn.
“Bao phen quạ nói với diều, cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm” - câu ca dao được người dân cù lao Ông Chưởng lưu truyền bấy lâu…
Quyết tâm gìn giữ “của trời cho”, những người dân xứ cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bao đời nay luôn ra sức bảo vệ nguồn tôm, cá thiên nhiên bằng nhiều giải pháp: thả cá về tự nhiên, cấm đánh bắt triệt để, tịch thu ngư cụ cấm, tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của nguồn lợi thủy sản trong nhân dân…
Có lẽ chính vì vậy mà như hiểu được lòng người, nhiều đàn cá đã lũ lượt về đây tạo nên hiện tượng độc, lạ khiến nhiều người từ khắp nơi hiếu kỳ đến xem.
Những đàn cá “trời cho”
Cách đây hơn 3 năm, đàn cá trong tự nhiên với số lượng hàng ngàn con đã tự động tìm đến trú ngụ dưới bến sông (đoạn rạch ông Chưởng) trước cửa nhà anh Đinh Vũ Tâm (SN 1970, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Đàn cá ban đầu chỉ vài ba trăm kg. Khi phát hiện, anh Tâm cho ăn hàng ngày và những người dân xung quanh bảo vệ.
Và từ vài chục con cá tra đến nương náu, giờ đây tăng lên hàng ngàn con, ước gần 30 tấn với nhiều loại như: cá tra, mè vinh, cá he, cá trê, cá lóc... Con nhỏ nhất khoảng 1 kg, lớn nhất trên 5 kg.
Còn tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, có đàn cá của ông Nguyễn Văn Út (mọi người hay gọi là ông Sáu) ngụ ấp Hòa Thượng. Ở cái tuổi lục tuần, thay vì chọn thú vui chăm sóc cây kiểng, quây quần bên con cháu, cũng hơn 3 năm nay, ông lại chọn việc chăm sóc đàn cá tự nhiên có trên 100 tấn.
Ông cho biết, từ ngày mua được miếng đất hơn 5.000m2 tại ấp Hòa Thượng (cặp sông Vàm Nao, đoạn gần phà Thuận Giang), do nhà có sà lan chở cát, ông cất 1 cái bè để trông giữ.
Kể từ đó, các đàn cá tự nhiên ngày một kéo tới, sinh sống dưới đáy bè, dọc bờ sông Vàm Nao tầm 300m, quanh quẩn đất nhà ông. Thấy vậy ông mua thức ăn rồi rau, cải bỏ xuống thử thì cá bu lại ăn như thả nuôi bè, không có chút hoảng sợ.
Và cứ như vậy, đàn cá đủ cỡ, từ bằng vài ngón tay, cho đến cả chục kg đủ chủng loại từ cá tra, trắm cỏ, cá trê, cá lóc đến cá chim trắng, cá rô, điêu hồng… từ ngoài sông kéo nhau nương tựa cặp bè để được nuôi dưỡng và bảo vệ chu đáo.
Theo các chuyên gia đánh bắt, đàn cá của ông Sáu nuôi có thể lên đến từ 100 - 150 tấn. Với số lượng nhiều như vậy, mỗi ngày, lượng rau, cải ông cho ăn trên 10 tấn.
Bỏ tiền túi nuôi cá thiên nhiên
Sợ cá không đủ thức ăn, ông còn bỏ tiền túi mua thêm tầm 6 - 7 bao thức ăn mỗi ngày. Ban đầu, ông tự bỏ tiền túi ra mua, dần dà bà con, các người bán rau xung quanh biết được việc làm ý nghĩa nên có rau, dưa phụ phẩm đều tiếp sức cùng ông nuôi cá. Ông Sáu cho hay, ông coi đàn cá như thú cưng bảo vệ và chăm sóc.
“Bây giờ cá đổ về cỡ một trăm mấy chục tấn rồi, nhiều lắm. Tôi mới rào lại, cho cá ở an toàn đó. Rau cải hiện bây giờ lấy hơn 13 tấn. Tới chiều là không còn cái lá nào nữa, cá ăn khỏe vậy đó! Thức ăn thì 7 - 8 bao”, ông nói.
Thấy hiện tượng đặc biệt nên mỗi ngày đều có người đến đây xem đàn cá rồi chụp hình, quay clip chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Vì vậy mà số lượng người đến đây ngày càng đông có khi lên đến cả trăm người.
Khi đến đây, ông cho thức ăn miễn phí để bà con cho cá ăn thỏa sự hiếu kỳ. Thấy ông nuôi cá vì để bảo tồn của trời cho, giúp bảo vệ nguồn cá tự nhiên mà không phải ai muốn là làm được, nên có người cũng phụ giúp tiền thức ăn cho cá.
Chị Nguyễn Ngọc Châu, một người dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ xem trên mạng xã hội và nghe nhiều người nói, chị cũng tìm đến để được tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ này.
Chị cho hay: “Thấy đủ loại cá. Đúng là chuyện lạ. Không rào, không chắn gì mà tự nhiên cá lại ở quá nhiều. Mình cũng không hiểu sao. Gặp như cá người ta không rào là nó đi mất tiêu hết”.
Gia đình ông Sáu có 3 chiếc sà lan chở cát thuê, từ ngày có đàn cá về, ông Sáu đã bán đi 1 chiếc và giao lại việc làm ăn cho các con để toàn tâm, toàn ý chăm sóc đàn cá. Các con của ông cũng hết lòng ủng hộ quyết định này.
Để bảo vệ đàn cá, ông bỏ tiền cho người rào từ mé sông ra ngoài tầm 10m, diện tích khoảng 300m thả lục bình để cá có nơi trú ngụ.
Hiện tại, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo lực lượng công an hỗ trợ ông Sáu bảo vệ đàn cá. Đồng thời cho cắm bảng “Khu vực bảo tồn cá hoang dã” và ghi chú cấm đánh bắt trong phạm vi 70m xung quanh.
Ông Trịnh Vĩnh Thụy, Phó chủ tịch UBND xã Kiến An, cho biết: “Để giữ gìn và phát triển đàn cá, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Đặc biệt là khuyến cáo không khai thác, đánh bắt gần khu vực cá đang sinh sống để góp phần bảo vệ vẹn toàn nguồn lợi hiếm có của tự nhiên trên đoạn sông này”.