An Giang lại 'nóng' tình trạng sạt lở sông Hậu

Chỉ trong vòng hai ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định về việc tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu. Ngoài ra, việc khắc phục sạt lở đoạn Quốc lộ 91 qua sông Hậu lại xảy ra sự cố.

Đơn vị thi công thả bao cát xuống sông Hậu xử lý sạt lở Quốc lộ 91.

Đơn vị thi công thả bao cát xuống sông Hậu xử lý sạt lở Quốc lộ 91.

Một ngày ký hai quyết định

Cụ thể, trong ngày 16-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký hai quyết định về việc tình huống khẩn cấp xảy ra sạt lở bờ sông Hậu đoạn chảy qua xã Vĩnh Trường, huyện An Phú và đoạn chảy qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.

Theo đó, đê bao tiểu vùng do xã Vĩnh Trường đầu tư được hoàn thành vào năm 2002 là tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn độc đạo quanh cù lao Vĩnh Trường, bảo vệ sản xuất cho diện tích 900 ha, bảo vệ dân cư sinh sống trong vùng 3.702 hộ dân, trụ sở UBND xã Vĩnh Trường.

Kết quả đo địa hình đáy sông cho thấy, đáy sông có dạng hình chữ U với đáy sông lệch sang bờ xảy ra sạt lở, độ sâu lòng sông ghi nhận được quanh khu vực sạt lở từ -8 m đến -9 m, cách bờ từ 25 - 90 m. Dòng chảy chính gần bờ xã Vĩnh Trường, bên cạnh đó vách bờ thẳng đứng, kết cấu bờ yếu do thành phần chính là sét pha cát, bờ sông nằm ven đường giao thông bộ và thủy, thường chịu áp lực của tải trọng, rung chấn và sóng. Trong năm 2018, tại đây đã xảy ra bốn vụ sạt lở với chiều dài hơn 300 m, ăn sâu vào đất liền gần 10 m. Mặc dù huyện đã chủ động gia cố tạm, nhưng khả năng sạt lở tiếp trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt là trong mùa lũ năm 2019. Do đó, sạt lở bờ sông Hậu, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú thuộc mức độ đặc biệt nguy hiểm do gây nguy hiểm trực tiếp đến tuyến bảo vệ sản xuất cho diện tích 900 ha, bảo vệ ba khu dân cư sinh sống trong vùng 3.702 hộ dân, sáu công trình trường học và trụ sở UBND, trạm tế cấp xã.

Tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tình trạng sạt lở bờ sông Hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê bao và là tuyến tỉnh lộ 953, hiện đoạn sạt lở cách mép đường 4 m. Đây là tuyến đê bao bảo vệ sản xuất cho diện tích 3.500 ha vùng bắc kênh Vĩnh An, bảo vệ ba tuyến dân cư (ấp Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Tường 1) và rất nhiều cư dân sinh sống ven tỉnh lộ 953.

Từ năm 2016 đến tháng 7-2019, tại đây đã xảy ra sáu vụ sạt lở và một vụ rạn nứt với tổng chiều dài 1.124 m, khiến 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Mới nhất là vụ sạt lở ngày 22-7-2019, với chiều dài 40 m, ăn sâu vào đất liền 10 m khiến một hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong là đoạn sạt lở mạnh liên tục trong nhiều năm liền, địa hình vách lòng sông khá đứng, độ sâu thay đổi từ thượng nguồn về hạ nguồn, chỉ cách bờ từ 30 - 50 m. Nguyên nhân do sự phát triển bãi bồi phía đuôi cồn Vĩnh Trường (bờ đối diện) làm sông chảy qua khúc cua cong, dòng chảy lệch và áp sát bờ gây xâm thực phía cung bờ lõm xã Châu Phong.

Theo ghi nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tốc độ xâm thực vào bờ từ 5 - 10 m/năm, tính riêng từ năm 2012 đến nay, có đoạn sạt lở lấn sâu vào bờ từ 85 - 100 m gây thiệt hại nhiều về đất đai, nhà dân. Hiện, diễn biến sạt lở tại khu vực xã Châu Phong, thị xã Tân Châu còn phức tạp do kết cấu bờ yếu, chủ yếu là vật liệu bở rời, vách bờ lại thẳng đứng.

Ngoài ra, khu vực ngã ba sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu của sông Hậu và sông Châu Đốc, tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông, tạo hố sâu ở khu vực giữa sông, hố có độ sâu -30 m có chiều dài 130 m, rộng 70 m, dấu hiệu rất nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở bất ngờ với những mảng trượt lớn đối với đoạn bờ phía xã Châu Phong dài 600 m.

Quốc lộ 91 lại đứng trước nguy cơ tiếp tục sạt lở

Không những gây sóng gió cho Tân Châu và An Phú, sông Hậu chảy qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú lại tiếp tục tấn công Quốc lộ 91. Trước đó, ngày 1-8, một đoạn Quốc lộ 91 dài hơn 85 m đã ụp xuống sông Hậu. Ngay sau đó, tỉnh cho khắc phục với kinh phí hơn 25 tỷ đồng, xử lý bằng phương pháp thả bao cát. Nhưng mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, số bao cát mà Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư thả xuống sông Hậu đã bị cuốn hoàn toàn trong chiều 18-8. Rất may, lúc này các nhân công đang nghỉ ngơi cho nên không ai bị thương. Trước tình thế này, huyện phải vận động 11 hộ dân trong vùng nguy hiểm tạm thời di dời đến ở tạm nhà người quen ở khu vực an toàn.

Đây là số bao cát mà đơn vị thi công đã thả xuống sông Hậu nhằm ổn định đường bờ, gia cố mái ta-luy để khắc phục sự cố sạt lở Quốc lộ 91. Khi xảy ra sự việc, đơn vị thi công đã thả bao tải cát được khoảng 90% khối lượng nhưng lúc triển khai đến phần tạo mái dốc, thì số cát được thả xuống trước đó cao hơn mặt nước sông Hậu khoảng 1 m bị trượt hoàn toàn xuống sông. Hiện nay, trên Quốc lộ 91 đã xuất hiện các vết nứt mới lấn sâu vào khu dân cư, đe dọa sạt lở tiếp.

Đến nay, vụ sạt lở trên Quốc lộ 91 vào ngày 1-8 vừa qua chưa được xử lý xong.

Đến nay, vụ sạt lở trên Quốc lộ 91 vào ngày 1-8 vừa qua chưa được xử lý xong.

Tạm ứng thêm 24 tỷ đồng để xử lý sạt lở Quốc lộ 91
Chiều 20-8, Chủ tich UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký Quyết định số 2027/QĐ-UBND tạm ứng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để xử lý sạt lở khẩn cấp tuyến Quốc lộ 91.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức xử lý sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang và giải ngân khoản tạm ứng theo quy định. Giao sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên qua khẩn trương làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để được hỗ trợ vốn và hoàn trả lại ngân sách tỉnh.

Trước đó, khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, một đoạn đường nhựa dài hơn 30m của Quốc lộ đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú tiếp tục sạt lở làm đứt mất gần như hoàn toàn mặt đường. Sạt lở ăn sát vào khu dân cư phía trong Quốc lộ 91 và hiện đang tiếp tục có dấu hiệu phát triển thêm.

Để bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân, trong sáng 20/8. UBND huyện Châu Phú đã huy động các lực lượng tại chổ tiến hành hỗ trợ bà con di dời nhà cửa đến nơi an toàn; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành di dời các trụ điện và hệ thông viễn thông ra khỏi khu vực sạt lở.

Được biết, trước đó, UBND tỉnh An Giang đã tạm ứng 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để xử lý sạt lở khẩn cấp, nhằm bảo vệ phần còn lại của Quốc lộ 91,sau khi xảy ra sạt lở Quốc lộ 91 đoạn từ Km 89+250 đến Km 89+390 (dài khoảng 140m thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ vào rạng sáng 1-8, làm hơn phân nửa mặt đường Quốc lộ 91 với chiều dài 85m sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Đơn vị thi công đã thả bao cát nhằm gia cố, ổn định đường bờ, gia cố mái ta luy có chiều dài theo thiết kế là 160m, tương ứng khối lượng 26.000m3 cát. Khi công trình đạt khoảng 90% khối lượng theo chỉ dẫn của tư vấn thiết kế thì bất ngờ toàn bộ sộ bao cát bị trôi tuột xuống sông, sau đó toàn bộ mặt đường qua khu vực này bị "hà bá" nuốt chửng.

Như vậy, tổng số UBND tỉnh An Giang đã chi gần 50 tỉ đồng để xử lý sự cố sạt lở quốc lộ 91. Gần 10 năm trước, cũng tại khu vực này từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng "ăn đứt" quốc lộ 91 hàng trăm mét.

Bài và ảnh: THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41273102-an-giang-lai-%E2%80%9Cnong%E2%80%9D-tinh-trang-sat-lo-song-hau.html