An Giang: Mô hình trồng rừng kết hợp làm vườn và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao
Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Huỳnh Minh Hoàng (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc, An Giang) tiếp tục phát huy phẩm chất 'Bộ đội cụ Hồ', nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài của gia đình với nụ cười hiền lành, dáng người tuy nhỏ bé nhưng tác phong nhanh nhẹn đúng chất người lính cụ Hồ, ông Hoàng cho biết, sau khi xuất ngũ, ông bắt tay vào phát triển kinh tế, chủ yếu dựa vào việc trồng lúa của gia đình.
Song song đó, khi có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý, trồng và khai thác rừng, ông đã xung phong nhận khoán 15ha rừng tràm. Những ngày đầu lập nghiệp, do thiếu kinh nghiệm và lúa trồng trên vùng đất bạc màu, nên năng suất không cao, tốn nhiều chi phí.
Thêm vào đó, việc trồng rừng chưa thể mang lại hiệu quả kinh tế ngay tức thời. Dù 2 vợ chồng chăm chỉ lao động xoay sở nhiều nghề, thu nhập vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Nhưng với ý chí và nghị lực của “Bộ đội cụ Hồ”, ông Hoàng vẫn kiên trì, nhẫn nại không lùi bước trước khó khăn.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nhận thấy dê và heo rừng dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, không sợ bị thừa hàng dội chợ, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ thiên nhiên, ông Hoàng đã thả nuôi thêm dê và heo rừng dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập cho gia đình và có chi phí đầu tư trồng rừng. Đất không phụ công người, sau thời gian trồng, chăm sóc và bảo vệ, rừng tràm phát triển rất tốt, thu nhập từ việc khai thác tràm bắt đầu ổn định.
“Cây tràm trồng khoảng 3-4 năm mới khai thác được, vì vậy tôi canh thời gian trồng để có thể khai thác xoay vòng hàng năm. Trung bình mỗi năm tôi được phép khai thác 3ha cây tràm đủ tuổi, doanh thu khai thác khoảng 600 triệu đồng”- ông Hoàng chia sẻ.
Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kết hợp với tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, phương thức sản xuất thích hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có cùng với áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật với nhiều mô hình sản xuất tại gia đình, ông Hoàng đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái các loại.
Trong đó có 800 gốc xoài Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP đã 6 năm tuổi, khoảng 800 gốc mít Thái được 2 năm tuổi và 50 gốc cà na vừa mới trồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư 8.000m2 diện tích mặt nước để thả nuôi cá lóc thương phẩm.
Ông Hoàng cho biết: “Xoài Đài Loan mỗi năm thu hoạch được 2 đợt, nếu bán cho thương lái với giá từ 20.000-30.000 đồng/kg, trung bình doanh thu đạt khoảng 200-300 triệu đồng. Mít Thái hiện nay đã có trái thu hoạch bán lai rai. Còn cá lóc thì khoảng 2 tháng nữa có thể xuất bán. Nhờ trồng nhiều, nuôi nhiều nên quanh năm lúc nào cũng có tiền rủng rỉnh...”.
Đến nay, mô hình trồng rừng kết hợp làm vườn và chăn nuôi mang lại hiệu quả giúp gia đình ông Hoàng có thu nhập ổn định, với tổng doanh thu hơn 800 triệu đồng/năm. “Khi bắt tay vào làm kinh tế, ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn cũng như kỹ thuật. Nhưng với quyết tâm phấn đấu, thất bại không nản nên hôm nay tôi đã đạt được kết quả tốt. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện, đỡ vất vả hơn trước. Hai vợ chồng tôi có thể chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, có gia đình và việc làm ổn định” - ông Hoàng chia sẻ.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Châu Lý Hồ Thế cho biết, ông Hoàng là một cựu chiến binh rất cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hoàng luôn gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các phong trào, hoạt động của Hội Cựu chiến binh các cấp và địa phương. Bên cạnh đó, ông Hoàng còn tạo điều kiện giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương cùng làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.