An Giang ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn

Do giá lợn trong nước khá cao, nguồn lợn cung chưa đủ cầu cho nên tình trạng buôn lậu lợn tại biên giới tây nam vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, điểm nóng tập trung ở huyện biên giới An Phú (An Giang).

Do giá lợn trong nước khá cao, nguồn lợn cung chưa đủ cầu cho nên tình trạng buôn lậu lợn tại biên giới tây nam vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, điểm nóng tập trung ở huyện biên giới An Phú (An Giang).

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, Ðoàn Bình Lâm đã ký công văn đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh An Giang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn huyện An Phú tăng cường kiểm soát việc nhập lậu lợn. Theo UBND huyện An Phú, lượng lợn nhập lậu đi qua địa bàn huyện An Phú trung bình từ 200 đến 300 con mỗi ngày, đêm, nguyên nhân do giá lợn hơi của Việt Nam chênh lệch cao so với giá lợn hơi ở Cam-pu-chia.

Tỉnh An Giang có sáu huyện, thị, thành phố giáp biên giới nhưng huyện An Phú có nhiều đường mòn, lối mở cùng hơn 13 km là đường sông, kênh rạch cho nên đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình phức tạp để nhập lậu lợn.

Trong đó, tuyến kênh Ruột với chiều dài hơn 7 km có sáu nhánh rẽ về sông Bình Di, sông Châu Ðốc, nên các đối tượng buôn lậu hay vận chuyển hàng theo tuyến này. Một tối tháng 7, chúng tôi có mặt trên tuyến kênh Ruột thuộc xã Phú Hội. Hơn 23 giờ khuya, tiếng thuyền máy vang lên trên kênh, ngay sau đó, xuất hiện vài người đàn ông đi trên xe gắn máy chạy dọc theo tuyến bờ kênh quan sát. Thấy bóng người lạ, chiếc xe cứ pha đèn pin ngang dọc, bóp còi inh ỏi như báo động. Chiếc thuyền máy liền quay đầu, chạy ngược về bên kia biên giới.

Một người dân ở xã Phú Hội gần tuyến kênh Ruột cho biết, lợn được các đối tượng buôn lậu vận chuyển bằng thuyền máy, thuyền gỗ qua kênh. Việc vận chuyển thường từ 22 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau. Khi phát hiện không có lực lượng chức năng, các đối tượng liền cho thuyền chạy vào sông Bình Di, sông Châu Ðốc tới TP Châu Ðốc hoặc tấp vào bờ, chuyển lợn lên xe tải đợi sẵn rồi di chuyển trên tỉnh lộ 927 đến các lò mổ.

Theo Sở NN và PTNT tỉnh, sáu tháng đầu năm, ngành chức năng đã phát hiện bắt giữ 26 vụ vận chuyển lợn lậu với tổng số lợn 229 con, trong đó, lực lượng biên phòng tỉnh bắt giữ 13 vụ với 176 con. Ngành chức năng đã xử phạt vi phạm chín vụ vận chuyển lợn với tổng số tiền hơn 56 triệu đồng. Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh, do giá lợn hơi tại Việt Nam cao hơn tại Cam-pu-chia cho nên tình trạng nhập lậu lợn từ Cam-pu-chia vào nước ta ngày càng nhiều. Việc xử lý lợn nhập lậu gặp khó khăn do các địa phương khó tìm quỹ đất để tiêu hủy cũng như không bố trí được nguồn kinh phí cho công tác tiêu hủy lợn vi phạm.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, các đối tượng buôn lậu vận chuyển lợn lậu bằng thuyền máy, thuyền gỗ ở các tuyến kênh hoặc ghe lớn trên sông, sau đó lợn được đưa lên xe và tìm cách hợp thức hóa giấy tờ trước khi vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện An Phú đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu lợn và các mặt hàng nhập lậu khác. Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, Ðoàn Bình Lâm cho biết, tình hình vận chuyển lợn nhập lậu qua địa bàn rất tinh vi, đa dạng. Trong suốt quá trình vận chuyển, các đối tượng buôn lậu lợn luôn tổ chức lực lượng theo dõi thông tin. Ðồng chí Ðoàn Bình Lâm cho biết thêm: “Sau khi huyện có văn bản gửi Sở NN và PTNT tỉnh báo cáo tình hình lợn nhập lậu thì các sở, ban, ngành chức năng đã phối hợp thắt chặt kiểm soát cho nên tình trạng buôn lậu lợn đã giảm. Bên cạnh đó, giá lợn trong nước mấy ngày qua giảm khiến tình trạng buôn lậu lợn cũng giảm theo”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện An Phú thiết lập chốt kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn trên địa bàn huyện; yêu cầu Sở NN và PTNT tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng trong việc xử lý trường hợp nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn tại khu vực biên giới. UBND tỉnh yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập lậu lợn qua biên giới. UBND tỉnh yêu cầu, trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp phải tiêu hủy ngay; đề nghị Sở Tài chính chủ động bố trí nguồn kinh phí kịp thời hỗ trợ các huyện tiêu hủy lợn nhập lậu.

THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/an-giang-ngan-chan-tinh-trang-nhap-lau-lon-608667/