An Giang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội với kết quả cao nhất
Với sự nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, 10 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực, góp phần hướng đến việc hoàn thành, đạt và vượt các mục tiêu KTXH của năm 2024.
Duy trì đà tăng trưởng
Theo UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng của năm 2024 ước tăng 10,02% so với với cùng kỳ. Ước doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lũy kế 10 tháng ước đạt 191.975 tỷ đồng, tăng 16,37% so với cùng kỳ. CPI bình quân 10 tháng của năm 2024 tăng 4,66% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách ước trong 10 tháng năm 2024 đạt 6.870 tỷ đồng, đạt 95,46% so với dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 108,91% so với cùng kỳ.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện xuống giống được 158.700ha lúa vụ thu đông, đạt 106,56% so với kế hoạch và tăng 0,97% so với vụ thu đông của năm trước. Diện tích lúa vụ thu đông năm nay vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ chủ yếu do giá lúa trong những tháng vụ đầu năm luôn ổn định ở mức cao và tăng cao so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, toàn tỉnh đã thực hiện gieo trồng 618.600ha lúa, đạt 100,06% kế hoạch. Hoa màu 47.100ha, đạt 93,4% kế hoạch (đang tiếp tục xuống giống hoa màu vụ thu đông 2024).
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường lũy kế từ đầu năm đến thời điểm này là 1.061 doanh nghiệp tăng 8,49% (tương đương 83 doanh nghiệp). Trong đó, doanh nghiệp đăng ký mới là 818 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 5.712 tỷ đồng, so với cùng kỳ số doanh nghiệp đăng ký tăng 7,21% (tương đương 55 doanh nghiệp), vốn đăng ký tăng 11,13% (tương đương 571 tỷ đồng); số doanh nghiệp hoạt động trở lại 243 doanh nghiệp, tăng 13,02% (tương đương 28 doanh nghiệp). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (trong đó có 9 dự án thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý), với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 178 triệu USD (chiếm 68,19% tổng vốn đầu tư đăng ký) tạo việc làm cho 16.800 lao động. Về giải ngân vốn đầu tư công, ước kết quả giải ngân 10 tháng của năm 2024 là hơn 6.268 tỷ đồng, đạt 63,55%.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ; chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí; quốc phòng - an ninh được giữ vững...
Nỗ lực các tháng cuối năm
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng của năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH thời gian qua.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng KTXH những tháng cuối năm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị từng sở, ngành, địa phương, đơn vị phải chủ động, năng động, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình cũng như tham mưu, đề xuất với tỉnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng KTXH năm 2024. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Đẩy nhanh hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, đề nghị các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó tập trung cho thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang, các công trình trọng điểm khác của tỉnh và chuẩn bị cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng còn đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý, khai thác khoáng sản, đồng thời có các giải pháp xử lý lâu dài về vấn đề môi trường, thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong sản xuất - kinh doanh, các dự án bất động sản... Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch. Tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm, trong đó chú ý đề án xóa nhà dột nát, chuẩn bị chăm lo Tết cho người dân.
Tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiện toàn bộ máy của từng sở, ngành, địa phương; các lĩnh vực khoa học - công nghệ, chuyển đổi số theo hướng vụ phục vụ cho phát triển KTXH.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc. Nâng cao hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, tập trung đấu tranh phòng tránh các loại tội phạm, ma túy, trộm cướp, buôn lậu, khai thác khoáng sản trái phép...
Khẩn trương hoàn chỉnh công tác xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 thuộc lĩnh vực KTXH, quốc phòng - an ninh. Tổ chức chu đáo, thành công Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang; Diễn đàn Mekong Connect 2024; Lễ kỷ niệm 192 năm Ngày truyền thống tỉnh An Giang (1832 - 2024); Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024) và tưởng niệm 198 năm Ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024). Đồng thời, chuẩn bị chu đáo nội dung phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2024.