An Giang: Nút thắt trong giải phóng mặt bằng là rào cản giải ngân vốn đầu tư công
Theo tổng hợp báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến hết tháng 5/2022, tỉnh An Giang mới giải ngân đạt 12,7% kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng đã kìm tiến độ giải ngân của tỉnh chậm lại.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, ngay từ đầu năm, tỉnh An Giang đã áp dụng hàng loạt giải pháp đối với chủ đầu tư và các sở, ngành.
Ảnh TL minh họa
Cụ thể, các sở, ngành sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt hồ sơ bản vẽ thi công - dự toán; tháo gỡ khó khăn do thay đổi quy mô, thiết kế kỹ thuật công trình… Bên cạnh đó, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quyết toán vốn dự án hoàn thành, nhất là các dự án tồn đọng chậm phê duyệt dự toán. Đặc biệt, tỉnh An Giang giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng theo dõi, cập nhật giá vật liệu xây dựng, đảm bảo khi công bố phù hợp với giá thực tế thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà thầu…
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của tỉnh dự kiến hết tháng 5/2022 mới đạt 12,7%, tương đương với trên 669,8 tỷ đồng đã được giải ngân. Đây là tỷ lệ khá thấp so với tổng nguồn vốn địa phương được giao trong năm 2022 là trên 5.267,5 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến cuối năm còn 1 lượng vốn rất lớn cần giải ngân.
Ngoài các nguyên nhân do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 từ đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao…, thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân chậm tại tỉnh An Giang được chỉ ra là do còn nút thắt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh An Giang, hiện tỉnh có 5 dự án lớn bị vướng trong khâu giải phóng mặt bằng. Điển hình là dự án Bệnh viện Sản - Nhi An Giang (khối Nhi 200 giường), hiện dự án mới nhận bàn giao 13/14 khối công trình cũ, chưa đủ mặt bằng để thi công; dự án Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh ĐT945 nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) còn vướng mặt bằng đoạn qua xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên và đoạn xã Đào Hữu Cảnh huyện Châu Phú vì các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường.
Các dự án còn lại bao gồm: Kiểm soát lũ vùng Tây Sông Hậu (chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng); Kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ TP.Long Xuyên (còn vướng 10 hộ dân); Tiểu dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long thuộc Dự án WB9 (còn 30 hộ dân chưa nhận tiền đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng và 13 hộ dân chưa phê duyệt phương án bồi thường).
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh An Giang đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với UBND các huyện thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan và Tổ công tác xử lý khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tập trung tháo gỡ, xử lý các khâu duyệt phương án bồi thường, chi trả và vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Tỉnh An Giang đưa ra thời hạn, chậm nhất đến ngày 30/7/2022, các dự án khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng phải được giải quyết để triển khai thi công./.