Cắt điện, nước công trình vi phạm: quyết liệt ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024, trong đó quy định 'biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm', ban hành trước 1/1/2025, để kịp thời có hiệu lực cùng với Luật Thủ đô.

Chính sách đặc thù của Hà Nội

Mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức họp triển khai xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô 2024.

Theo đó, khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô quy định:

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024, trong đó quy định “biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm”

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024, trong đó quy định “biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm”

2. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đây:

a) Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;

b) Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;

d) Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt;

đ) Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động;

e) Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;

g) Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn. Quyền ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước của người cung cấp dịch vụ điện, nước trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này phải được thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.

4. HĐND TP quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Tổ xây dựng dự thảo Nghị quyết nêu rõ, tại khoản 2, Luật Thủ đô quy định các trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với từng nhóm để đảm bảo an toàn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Như vậy, có 7 trường hợp sẽ bị cắt điện, cắt nước nhưng các trường hợp trên bị cắt điện nước thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Bởi vậy, khi xây dựng Nghị quyết thì cần phải xác định xem trường hợp cần thiết là trường hợp nào.

Đại diện các cơ quan đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến tập trung phân tích, thảo luận trường hợp nào là trường hợp cần thiết, có ảnh hưởng đến an ninh trật tự phải cắt điện, cắt nước, quy trình và cấp có thẩm quyền ngừng cung cấp dịch vụ điện nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, khi đưa nội dung ngừng cung cấp điện, nước vào Khoản 2, Khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô 2024, việc đánh giá tác động đã được TP Hà Nội thực hiện công phu. Đây là biện pháp quản lý hành chính chứ không phải xử lý vi phạm hành chính. Chính sách đặc thù này đến thời điểm hiện nay chỉ có Hà Nội thực hiện, được thể hiện trong Luật Thủ đô. Nghị quyết nếu được HĐND TP Hà Nội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, chỉ áp dụng với công trình phát sinh sau ngày 1/1/2025 mà không “hồi tố”, tức áp dụng với công trình vi phạm trở về trước.

“Dự thảo quy định thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo hướng giao cho chủ tịch UBND cấp xã, bởi đây là cấp sát dân, sát công trình vi phạm. Từ khi chính quyền cấp xã lập biên bản xác định chủ công trình cố tình vi phạm, chỉ trong 2-3 ngày phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước. Việc ban hành nghị quyết không làm tăng biên chế, không tạo ra yêu cầu bổ sung nhân lực cho bộ máy nhà nước, không tạo ra sự cồng kềnh trong tổ chức” -Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh nêu quan điểm.

Tác động mạnh đến ý thức chấp hành của người vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Sơn Tây Đào Hiến Chương góp ý: Về đối tượng áp dụng, tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết đang quy định một trong các đối tượng áp dụng của Nghị quyết là: "Chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức quản lý, sử dụng, sở hữu các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô". Đề nghị bổ sung thêm đối tượng là cá nhân, tổ chức, hộ gia đình là khách hàng được cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình không thuộc quy định tại Điều 3 Nghị quyết nhưng cung cấp điện, nước cho các công trình, cơ sở vi phạm.

Lý do được Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Sơn Tây đưa ra, đó là để ngăn chặn, xử lý việc các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước sử dụng nhờ điện, nước của các khách hàng khác trước hoặc sau khi bị áp dụng biện pháp này. Có một thực tế việc cho dùng nhờ điện, nước đồi với các công trình vi phạm diễn ra phổ biến trong giai đoạn trước khi xử lý cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm.

Theo nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội Nguyễn Đức Nghi, khi xử lý các công trình vi phạm, UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục nhưng tiến độ chậm, xử lý không dứt điểm. Chủ đầu tư không tự giác khắc phục nên việc bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước sẽ tác động mạnh đến ý thức chấp hành của đối tượng vi phạm.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, theo Hiến pháp, người dân được quyền cung cấp điện, nước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước khi xử lý vi phạm là "trường hợp cần thiết".

Trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế. “Bởi vì đã thuộc trường hợp khẩn cấp và nguy hại đến tính mạng mà cơ quan chức năng lại tiếp tục cho ở, chỉ cắt mỗi điện, nước là chưa đầy đủ. Khi cơ quan chức năng đã thuyết phục, có quyết định nhưng không di dời thì biện pháp khẩn cấp phải là cưỡng chế” - TS Nguyễn Tiến Dĩnh nêu quan điểm.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho hay, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là rất cần thiết nhằm bảo đảm kỷ cương, phép nước, diện mạo đô thị Thủ đô, cũng như liên quan trực tiếp đến an sinh và an ninh của nhân dân. Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tình trạng chủ đầu tư không tuân thủ, không chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, việc giám sát, thực hiện quy định sao cho đúng đối tượng, công bằng, vừa là biện pháp xử lý mạnh tay với những người coi thường pháp luật, nhưng cũng để người vi phạm tâm phục, khẩu phục. Vì đây là nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của các đối tượng vi phạm nên việc thực hiện phải chuẩn mực, tránh áp dụng sai.

“Muốn vậy, cần công khai các công trình vi phạm, thông tin về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc cấp tương thích và người dân giám sát, hỗ trợ cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật” – PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cat-dien-nuoc-cong-trinh-vi-pham-quyet-liet-ngan-chan-vi-pham-trat-tu-xay-dung.html