An Giang sẽ đầu tư nhiều hồ nhỏ cung cấp nước ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên
Thay vì đầu tư dự án hồ trữ nước ngọt quy mô 4.560 héc ta với khả năng trữ lên đến 163 triệu m3, tỉnh An Giang quyết định phân tán dự án thành nhiều hồ nhỏ với quy mô trữ còn khoảng 91 triệu m3.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết trước đây khi địa phương lên kế hoạch thực hiện dự án, có phương án xây dựng hồ tập trung với quy mô 4.560 héc ta, với khả năng trữ nước ngọt lên đến 163 triệu m3 để phục điều hòa nguồn nước cho vùng Tứ giác Long Xuyên.
Theo ông, với quy mô đầu tư như nêu trên, dự án phải thực hiện thu hồi đất của 10.000 hộ dân với chi phí đền bù dự kiến lên đến 10.000 tỉ đồng. “Điều này có nghĩa, phần vốn đối ứng của tỉnh (đối ứng để thực hiện giải phóng mặt bằng vì dự án sử dụng vốn vay ODA- PV) cao hơn 300% so với tổng mức đầu tư của dự án (khoảng 3.000 tỉ đồng- PV)”, ông nói. Ông cho rằng đây là con số chắc chắn Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ không đồng ý.
Cũng theo ông Thư, sau chuyến khảo sát của chuyên gia Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (UICN), đã có đề xuất phân tán dự án nêu trên thành các hồ nhỏ hơn và tận dụng các khu đất công của tỉnh An Giang để trữ nước…
Chính vì vậy, ông Thư cho biết, địa phương đã quyết định chuyển phương án, thay vì đề xuất đầu tư hồ tập trung chuyển sang làm thành nhiều hồ có quy mô nhỏ hơn.
Cụ thể, hồ thứ nhất sử dụng 800 héc ta diện tích một khu ngập nước của rừng tràm để nâng đê xung quanh trữ nước; hồ thứ hai sử dụng 1.600 héc ta diện tích của khu đất ngập nước khác; thứ ba là xây một hồ có quy mô khoảng 300 héc ta để cung cấp nước ngọt cho vùng đồi núi, khô hạn và còn lại sẽ trữ trong các kênh.
Với phương án nêu trên, quy mô trữ nước ngọt đạt 91 triệu m3 so với con số 163 triệu m3 của phương án bị bỏ. “Phương án này sẽ giảm đi phần trữ nước ngọt, nhưng sẽ tạo được sự cân bằng hệ sinh thái cho các khu dự trữ đất ngập nước”, ông Thư nói.
Điều quan trọng hơn, theo ông Thư, với phương án chia thành các hồ nhỏ, tổng mức đền bù giải phóng mặt bằng chỉ khoảng 1.100 tỉ đồng, tức chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư của dự án. “Đây là dự án sử dụng vốn vay ODA và thường Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ chấp thuận cho mức đối ứng đền bù tối đa khoảng 30%, cho nên, phương án như vậy là đáp ứng”, ông nói.
Theo ông Thư, phương án phân tán các hồ nêu trên cũng phù hợp với các quy hoạch, bao gồm quy hoạch về phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng phê duyệt; trùng kế hoạch phát triển ĐBSCL do Chính phủ Hà Lan tài trợ xây dựng; phù hợp với quy hoạch tích hợp của tỉnh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.