An Giang tạm dừng hoạt động các bến đò dọc, bến phà ngang sông

An Giang tạm dừng hoạt động đối với các bến đò, bến khách ngang sông trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và xe chở bệnh đi cấp cứu.

Chiều 9-7, UBND tỉnh đã có công văn chấp thuận về việc tạm dừng hoạt động đối với các bến đò dọc, bến khách ngang sông, bến phà trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Kích hoạt khu cách ly 5.000 chỗ

Theo đó UBND tỉnh thống nhất với đề nghị của Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải tạm dừng hoạt động đối với các bến đò dọc, bến khách ngang sông, bến phà cho đến khi có thông báo mới, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và xe chở bệnh đi cấp cứu.

Cụ thể, cho tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông tại Bến số 5 (thuộc xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp qua thị xã Tân Châu, An Giang); Bến số 17 và Bến số 18 (thuộc xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp qua huyện Phú Tân, An Giang).

Đò Doi Lửa nối tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đò Doi Lửa nối tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đồng thời, tỉnh thống nhất tạm dừng hoạt động từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau đối với tất cả các bến đò dọc, bến khách ngang sông và bến phà trên địa bàn tỉnh. Riêng bến phà Tân Châu - Hồng Ngự vẫn hoạt động 24/24 giờ để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và những trường hợp khẩn cấp.

Ban chỉ đạo, phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết từ ngày 15-4 đến 16 giờ ngày 08-7, tỉnh ghi nhận tổng cộng 99 ca mắc COVID-19, trong đó huyện An Phú 49 ca.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương kích hoạt tình huống 2 và 50% tình huống 3 cho các phương án phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Các địa phương khẩn trương hoàn thành các khu cách ly tập trung theo tình huống 2 (5.000 chỗ), chuẩn bị triển khai tình huống 3.

Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đi về từ TP.HCM và các vùng dịch. Theo đó cho thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 07 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tất cả các trường hợp từ vùng có dịch về phải tổ chức xét nghiệm 03 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ ba và ngày thứ sáu kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó, tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 07 ngày.

Đồng Tháp đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân

Còn theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 24-6 đến sáng 9-7, tỉnh đã ghi nhận 448 ca mắc COVID-19, trong đó 430 ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa tìm được nguồn lây.

Hiện tại, tỉnh có 05 ổ dịch gồm bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Xí nghiệp May 6, Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Châu Thành, xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò đã kiểm soát), Bệnh viện Quân dân Y (đã kiểm soát). Đáng lo ngại là ngoài các ổ dịch lớn này, đã hình thành các ổ dịch mới tại huyện Châu Thành, huyện Tân Hồng, huyện Lấp Vò, TP Sa Đéc.

Chợ Sa Đéc, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HD

Chợ Sa Đéc, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HD

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản trên địa bàn vẫn đảm bảo. Sở cũng có phương án thiết lập thêm những điểm cung ứng hàng hóa khi cần thiết, hiện có khoảng 40% người dân đã chuyển sang mua hàng trực tuyến.

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các lực lượng, địa phương tập trung khoanh vùng dập dịch nhanh nhất tại TP Sa Đéc, huyện Châu Thành và một số địa phương, không để dịch lan rộng ra các địa phương khác.

Tỉnh xem xét nâng mức độ nguy cơ đối với các địa bàn có dịch hiện nay để áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp. Tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương lập 02 tổ truy vết phòng, chống dịch Covid-19 tại mỗi khóm, ấp…

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/an-giang-tam-dung-hoat-dong-cac-ben-do-doc-ben-pha-ngang-song-999333.html