An Giang tận dụng mọi nguồn cát cho cao tốc

Bên cạnh đáp ứng cho các công trình trên địa bàn, nguồn cát của tỉnh An Giang còn cung cấp cho nhiều tuyến cao tốc trọng điểm của vùng. Để đảm bảo nhu cầu quá lớn, tỉnh đang tận dụng mỏ cát hiện tại, mỏ cát thu hồi và cân nhắc mở mỏ cát mới theo cơ chế đặc thù.

Quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang (TN&MT) Nguyễn Việt Trí cho biết, triển khai đề án “Xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản năm 2023”, hiện tất cả doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông đều lắp đặt thiết bị định vị, giám sát hành trình trên phương tiện, để theo dõi, giám sát việc khai thác theo đúng ranh giới, thời gian được phép khai thác trong ngày. Đồng thời, triển khai đến doanh nghiệp, địa phương lắp đặt màn hình giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đối với khu vực khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang (Quyết định 26/2023/QĐ-UBND, ngày 16/6/2023). Trên cơ sở thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 677/QĐ-UBND, ngày 7/4/2022 của UBND tỉnh), đoàn cấp tỉnh phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, tổ kiểm tra cấp xã thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu, đối với các trường hợp nâng công suất khai thác lên không quá 50% công suất ghi trong giấy phép, hoặc giao đơn vị thi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc khai thác mỏ mới (theo các nghị quyết đặc thù của Chính phủ), phải đáp ứng đủ yêu cầu. Trong đó, yêu cầu mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường bộ cao tốc.

6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng phát hiện 2 ghe bơm hút cát sông trái phép trên địa bàn ấp Tân Thạnh (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), đang lập hồ sơ xử lý. Qua rà soát, hiện còn 6 phương tiện gắn dàn bơm hút cát (thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới), giảm 13 phương tiện so cuối năm 2022; 10 huyện, thị xã, thành phố còn lại không phát hiện phương tiện gắn dàn bơm hút cát. Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Chợ Mới phối hợp UBND xã Mỹ Hiệp làm việc với các chủ phương tiện, vận động tháo gỡ vòi hút cát, chuyển đổi nghề, nếu không sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Sở TN&MT An Giang, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh ký Kế hoạch 427/KH-CAT-CT-STNMT, ngày 14/3/2023, đề ra giải pháp phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khoáng sản trên đường thủy nội địa tỉnh năm 2023, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 370/QĐ-UBND, ngày 27/3/2023.

Chia sẻ với ĐBSCL

Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trong đó, 16 giấy phép khai thác cát làm vật liệu san lấp (tổng sản lượng khai thác khoảng 8 triệu m3/năm); 6 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường (khoảng 3,7 triệu m3/năm).

Qua rà soát, đa phần nguồn cát trên địa bàn tỉnh (trừ các khu mỏ cát đã được đấu giá) hiện được khai thác phân bổ cho công trình vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, bố trí khoảng 4,7 triệu m3 cho 9 công trình trọng điểm; dự kiến bố trí tiếp tục 1,2 triệu m3 cho 7 công trình sắp được triển khai; hỗ trợ 0,8 triệu m3 cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Sở TN&MT An Giang tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nguồn cát để chuẩn bị bố trí hơn 9,3 triệu m3 cho Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh An Giang; bố trí 7,5 triệu m3 cho đoạn qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; 3,3 triệu m3 cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống mỏ cát được cấp phép hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các tuyến cao tốc trọng điểm vùng ĐBSCL. Do vậy, tỉnh đang tìm kiếm thêm nguồn vật liệu thay thế. Vừa qua, Sở TN&MT An Giang đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản (đã cấp cho Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang) tại 2 khu mỏ trên sông Hậu, thuộc xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) và xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), sử dụng cát phục vụ công trình đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Đồng thời, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang tại khu mỏ trên sông Hậu, thuộc xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành) và xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới), sử dụng nguồn cát từ khu mỏ để phục vụ công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; thu hồi giấy phép đã cấp cho Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang tại khu mỏ trên sông Tiền, thuộc xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), phục vụ công trình do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh, UBND huyện Chợ Mới quản lý.

Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho DNTN Thái Bình tại khu mỏ trên sông Hậu, thuộc xã Bình Thạnh và xã Mỹ Hội Đông, phục vụ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và tuyến N1; thu hồi giấy phép đã cấp cho Công ty TNHH XD DVTM Hải Toàn, phục vụ cho các công trình vốn ngân sách nhà nước tại 2 khu mỏ trên sông Tiền, thuộc xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới).

Từ ngày 24 - 26/7/2023, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi các giấy phép khai thác khoáng sản theo tờ trình của Sở TN&MT An Giang. Đối với việc bố trí lại nguồn cát từ những khu mỏ này, Sở TN&MT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tại cuộc họp gần nhất, để xem xét, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, cần rà soát việc khoanh định lại khu vực đấu giá và không đấu giá quyền khai thác cát, để tham mưu thực hiện đúng quy định Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định 158/2016/NĐ-CP, Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định có liên quan; chú ý khu mỏ được khoanh định không đấu giá với lý do: Khu vực được cấp giấy phép thăm dò trước ngày 1/7/2011 đã không còn phù hợp.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tan-dung-moi-nguon-cat-cho-cao-toc-a370701.html