An Giang tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội
Thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức và quản lý lễ hội', thời gian qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm, nhất là phối hợp, hỗ trợ công tác quản lý và tổ chức các lễ hội truyền thống.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, lễ hội đón Tết Nguyên đán, vui Xuân, các sự kiện, ngày lễ lớn hàng năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; phù hợp văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, An Giang hiện có khoảng 85 lễ hội ở các huyện, thị xã, thành phố, thuộc các loại hình quản lý theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ, như: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, chưa có lễ hội nguồn gốc từ nước ngoài. Từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP có hiệu lực, công tác quy hoạch lễ hội được triển khai hoàn chỉnh. Các lễ hội cấp quốc gia thực hiện theo đúng quy định và chịu sự hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL.
Công tác tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm theo quy chế tổ chức lễ hội, đảm bảo lễ hội diễn ra phù hợp truyền thống văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương. Việc tổ chức lễ hội có nhiều tiến bộ, tiết kiệm, văn minh. Việc cấp phép mở thực hiện nghiêm theo quy chế tổ chức lễ hội, đảm bảo lễ hội diễn ra phù hợp truyền thống văn hóa và điều kiện KTXH của địa phương và phòng, chống dịch COVID-19.
“Kịch bản tổ chức lễ hội các cấp trong tỉnh đều bám sát sự kiện lịch sử, chính trị và bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hiện tại; nội dung nghệ thuật phù hợp, hình thức thể hiện sinh động, không phô trương, lãng phí…” - đồng chí Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.
Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tổ chức lễ hội được chú trọng và ngày càng hiệu quả, các hoạt động diễn ra trong lễ hội được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình về kinh phí của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà tài trợ. Thông qua tổ chức lễ hội đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân. Phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội (nhất là lễ hội dân gian) đều do nhân dân và du khách thập phương tự nguyện đóng góp.
Các hoạt động của phần hội thường được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã tạo nên không gian nghệ thuật phù hợp và mang đậm ý nghĩa giáo dục. Hàng năm, người dân đóng góp công đức hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công để tu bổ di tích, tổ chức lễ hội.
Đối với các lễ hội của địa phương, bên cạnh việc tổ chức phần lễ theo nghi thức truyền thống của từng loại hình lễ hội, địa phương còn tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi, giải trí, để tạo không khí vui tươi, sôi động, như: Biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi tìm hiểu ý nghĩa lịch sử lễ hội, hội thi bon-sai - cây kiểng, thi kết trái cây nghệ thuật, múa lân - sư - rồng, giao lưu đờn ca tài tử, triển lãm ảnh, trưng bày sách, báo; giao lưu, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng, hội thi leo núi, biểu diễn thả diều nghệ thuật và các trò chơi dân gian khác...
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp, để khắc phục, ngăn chặn tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp, như: Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa của các di tích, một số nơi thực hiện chương trình khai mạc lễ hội bằng hình thức sân khấu hóa giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích, của các danh thần và sự kiện lịch sử địa phương. Gắn việc tuyên truyền các lễ hội tiêu biểu với giới thiệu, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa của tỉnh trong tiến trình giao lưu hội nhập quốc tế. Chỉ đạo ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng xử lý kịp thời các trường hợp không phù hợp; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích.
Các di tích thực hiện tốt việc loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan diễn ra tại các khu di tích. Trong các ngày lễ hội, một số di tích phối hợp ngành chuyên môn tại địa phương tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, thể dục - thể thao nhằm tạo sân chơi cho nhân dân và tạo không khí sôi động cho lễ hội. Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, gắn kết lễ hội với phát triển du lịch địa phương.
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường trong các khu di tích được chú trọng, không để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm vào các đợt tổ chức lễ hội. Công tác an ninh trật tự tại di tích trong các ngày lễ hội từng bước được đảm bảo, hạn chế các trường hợp chèo kéo khách, móc túi, cướp giật… tạo sự an tâm cho khách đến với di tích. Môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di tích cũng được tăng cường bảo đảm có hiệu quả thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tang-cuong-quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-a368560.html