An Giang thực hiện tốt quy chế dân chủ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở luôn được Đảng bộ tỉnh coi trọng và đem lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tăng cường và củng cố niềm tin trong nhân dân, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nâng cao uy tín của Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang, công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung Pháp lệnh dân chủ xã, phường, thị trấn tiếp tục được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở phối hợp chặt chẽ trong việc công khai cho nhân dân biết những chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhân dân và địa phương, như: giải quyết thủ tục hành chính; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; các khoản huy động nhân dân đóng góp; chủ trương cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... thông qua hình thức họp dân, niêm yết, thông tin trên đài truyền thanh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền làm chủ, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-UBND phê duyệt khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, làm cơ sở để tiếp cận và triển khai thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thông tin và giải pháp tích hợp đối với các hệ thống camera trên địa bàn tỉnh An Giang. Các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm.
Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đến nay, thủ tục hành chính của các sở, ngành, huyện, xã đã được đưa vào hệ thống thông tin "một cửa" điện tử của tỉnh để xử lý hồ sơ thông qua môi trường mạng đạt 100%.
Phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện quy ước ở khóm, ấp. Việc xây dựng quy ước tại khóm, ấp được thực hiện đúng quy trình: soạn thảo, tổ chức họp dân lấy ý kiến đóng góp công khai dân chủ. Theo đó, toàn tỉnh xây dựng quy ước tại tất cả 888 khóm, ấp.
Cùng với đó, MTTQ các cấp tăng cường phối hợp ngành tư pháp củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Toàn tỉnh có 6.033 hòa giải viên, tăng 134 hòa giải viên cơ sở. Đa số hòa giải viên cơ sở tích cực thực hiện công tác hòa giải các vụ việc tranh chấp trong dân, xây dựng tình làng nghĩa xóm, góp phần ổn định trật tự xã hội tại địa bàn dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Việc thực hiện quy chế dân chủ đã động viên nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia. Phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hành tiết kiệm đóng góp quỹ Vì người nghèo, chăm lo an sinh xã hội… Qua đó, không chỉ khơi dậy tinh thần "Tương thân, tương ái", nêu cao ý thức của mỗi gia đình, mỗi người dân trong xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mà còn khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân tích cực lao động sản xuất có hiệu quả.
Thực tiễn cho thấy, nơi nào chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thì ở đó các vấn đề quan tâm của người dân được lắng nghe, giải quyết kịp thời; đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của xã hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền cơ sở theo hướng dân chủ, cụ thể và bám sát thực tiễn hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu.
Chính quyền các xã, phường thông qua triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở hầu hết đã có quy chế phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương để nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thông qua đó, chính quyền các xã, phường đã mang lại một phương thức mới trong công tác huy động nguồn lực từ nhân dân vào xây dựng, phát triển địa phương.
Bài, ảnh: H.H