Thi đua tạo ra năng lượng tích cực để bước vào kỷ nguyên mới

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc tuyên dương, khen thưởng của thành phố ngày càng hướng đến đối tượng là tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.

Ngày 15-11, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phạm Thành Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Mỗi người dân thi đua với chính mình

Tham luận tại hội nghị, ông Châu Xuân Đại Thắng, Quyền Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, 10 năm qua, quận đã triển khai nhiều phong trào thi đua, đạt hiệu quả thiết thực.

 Quyền Chủ tịch UBND quận 7 Châu Xuân Đại Thắng tham luận tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quyền Chủ tịch UBND quận 7 Châu Xuân Đại Thắng tham luận tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo tập trung 5 giải pháp chính để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tại quận. Đó là, trong từng nghị quyết, chương trình, chỉ thị, kế hoạch lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị phải lồng ghép việc phát động các phong trào thi đua. Công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện đồng thời với việc quán triệt, triển khai nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Đồng thời tập trung đổi mới phương thức; tăng cường đi cơ sở; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Qua thi đua, toàn quận có 479 cá nhân và 639 tập thể được khen thưởng cấp nhà nước, cấp Thành phố; giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách hằng năm của quận 7 đều cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra; tháo gỡ kịp thời khó khăn, thu hút được nhiều doanh nghiệp đến quận 7 sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình dân sinh trên địa bàn quận được triển khai đạt hiệu quả cao

Huyện Củ Chi cũng có nhiều thuận lợi trong đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, bên cạnh sự lãnh đạo tập trung, toàn diện của Đảng bộ, chính quyền huyện trong phát động thực hiện các phong trào thi đua, thì tinh thần đoàn kết, yêu nước và quyết tâm thi đua lập thành tích của người dân huyện Củ Chi đã trở thành truyền thống, là bản sắc, giá trị đặc trưng nổi bật trong tính cách, con người nơi đây. “Không lúc nào người dân Củ Chi không ngừng thi đua, việc thi đua được thực hiện ngay trong từng thành viên của mỗi gia đình, thi đua giữa các gia đình, giữa các dòng họ, giữa các xóm làng. Đặc biệt mỗi người dân Củ Chi còn thi đua với chính bản thân mình để khẳng định những việc làm được tôn vinh hôm nay phải hơn hôm qua”, bà Phạm Thị Thanh Hiền nhấn mạnh.

 Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thu hút, phát huy sự sáng tạo của người dân

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, 10 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, các cấp ủy Đảng thuộc Đảng bộ TPHCM đã lãnh đạo triển khai Chỉ thị 34 đạt kết quả khá là toàn diện, khắc phục cơ bản được những hạn chế trong việc xác định trọng tâm và phát động phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thành phố.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong đó, thành phố không chỉ thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương phát động mà căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, vào thực tiễn của thành phố, đã có những phong trào thi đua yêu nước sáng tạo riêng, gắn sát với nhiệm vụ chính trị của thành phố, của từng cấp, từng ngành, để giải quyết các yêu cầu đặt ra của thành phố, của đơn vị, của ngành ở từng thời điểm. Các phong trào thi đua không chỉ huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của nhân dân thành phố mà còn huy động được đồng bào cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tham gia.

Cùng với đó, việc tuyên dương, khen thưởng ngày càng hướng đến đối tượng là tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Bên cạnh danh hiệu thi đua được quy định, thành phố cũng có những danh hiệu, hình thức khen thưởng riêng, kịp thời tôn vinh tập thể, cá nhân, động viên được các phong trào tiếp tục phát triển, nhân rộng. Theo đồng chí, ngoài việc thi đua nhằm hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị thì mỗi cá nhân còn thi đua với chính mình để bản thân không bị tụt hậu so với mình của ngày hôm qua.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dù vậy, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận việc triển khai thực hiện Chỉ thị 34 tại thành phố chưa đồng đều, chưa mời gọi được được tất cả các tầng lớp nhân dân tại thành phố cũng như người dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng tham gia các phong trào thi đua.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về khen thưởng, đồng chí đánh giá, thành phố đã còn tình trạng nặng về hồ sơ, quy trình. Để các phong trào thi đua thời gian tới đạt hiệu quả, đồng chí lưu ý cấp ủy các cơ quan, địa phương, đơn vị lựa chọn nội dung tổ chức phong trào thi đua phải có trọng tâm, thiết thực, vừa chăm lo đời sống của cán bộ, công chức, vừa góp phần hoàn thành nhiệm vụ của của cơ quan, đơn vị và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt, tập trung thi đua hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024 cũng như các công trình thi đua chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) mà thành phố và từng địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát động. Đồng thời yêu cầu cơ quan chuyên môn mạnh dạn tham mưu khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, đơn giản thủ tục nhất có thể để tạo sự động viên, khích lệ đối với cá nhân, tổ chức. Cùng với đó, có giải pháp để lan tỏa, tạo phong trào thi đua giữa các ngành, các địa phương, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân, thậm chí là thi đua với chính mình.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

 Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao Bằng khen đến các tập thể, cá nhân.

Với tinh thần năng động, sáng tạo của thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định sự sáng tạo của người dân thành phố là rất lớn, do đó phải nghiên cứu để triển khai phong trào thi đua thu hút sự tham gia, phát huy sự sáng tạo của người dân. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM; tạo ra tiền đề, năng lượng tích cực để bắt đầu một nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định là bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ở cương vị của người đứng đầu chính quyền thành phố, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định TPHCM phải là địa phương tiên phong trong thực hiện tinh thần trên.

Theo báo cáo, 10 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng việc triển khai thực hiện Chỉ thị 34 và Chỉ thị 25 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Cấp ủy và chính quyền các cấp luôn quan tâm, xác định tầm quan trọng và hiểu rõ về vai trò, vị trí và tác dụng của công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới, từ đó nâng cao hiệu quả công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành động.

Các phong trào thi đua yêu nước của Thành phố được thực hiện thường xuyên gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều phong trào thi đua mang tính đột phá đi vào những nhiệm vụ trọng tâm được cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân hưởng ứng tích cực. Công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, chú trọng đến thành tích sáng tạo, đột phá và khen thưởng trực tiếp cho công nhân, nông dân, người lao động. Trong đó, tỷ lệ khen thưởng cho đối tượng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp tăng qua các năm. Giai đoạn 2014-2018, tỷ lệ tập thể nhỏ được tuyên dương, khen thưởng chiếm 10,7%; tỷ lệ cá nhân là người lao động trực tiếp được khen thưởng là 52,6% thì giai đoạn 2019-2023 tỷ lệ này lần lượt đạt 13,6% và 54,4%.

Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tặng Bằng khen cho 26 tập thể 2 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Trưởng Ban Dân Vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM đến tập thể Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM cũng tặng Bằng khen cho 51 tập thể, 23 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trong đó có Báo Sài Gòn Giải Phóng.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thi-dua-tao-ra-nang-luong-tich-cuc-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post768539.html