An Giang tích cực đóng góp dự thảo luật

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 30/11/2024, tập trung cao cho công tác lập pháp. Tham gia cùng quá trình này, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang tích cực tổ chức lấy ý kiến hàng loạt dự thảo luật.

Đại biểu Trình Lam Sinh chủ trì các buổi hội thảo

Đại biểu Trình Lam Sinh chủ trì các buổi hội thảo

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thông qua 16 dự án luật, trong đó 11 dự án luật đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án luật, gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Điện lực sửa đổi (trường hợp đủ điều kiện thì thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp).

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin, suốt tháng 9, trên cơ sở chương trình chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho kỳ họp thứ 8, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến luật. Trong đó, có những dự án luật giữ vai trò quan trọng, mới được xây dựng lần đầu, như: Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phòng không nhân dân… Cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể xã hội - nghề nghiệp được mời dự hội thảo phù hợp với từng lĩnh vực của dự án luật. Đại biểu đều nghiêm túc nghiên cứu dự thảo, góp ý kiến sâu sắc, có giá trị. Đây là điều kiện thuận lợi, tập hợp trí tuệ toàn dân để góp phần hoàn thiện dự thảo luật nói riêng, công tác lập pháp của Quốc hội nói chung.

Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh là 2 đơn vị gần như đóng vai trò “chủ chốt” trong các hội thảo, đóng góp 100% dự thảo luật được lấy ý kiến. Từ một số vấn đề chung (tên gọi của luật, giải thích từ ngữ) đến góp ý cụ thể nhiều điều, khoản, thậm chí đề xuất, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ… cho thấy các luật sư, luật gia dành thời gian, trí tuệ, kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong môi trường pháp lý để đặt thêm “viên gạch” vào công cuộc xây dựng hệ thống pháp lý của Việt Nam. Đại biểu thuộc sở, ban, ngành, doanh nghiệp vận dụng kinh nghiệm công tác, nêu bật vướng mắc, khó khăn đang gặp phải trong thực tế, nói lên tiếng nói của cơ sở, làm cho dự thảo luật ngày càng sát hợp, đa chiều.

Điển hình là dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đang được quan tâm. Nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tránh làm gia tăng chi phí, gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân tham gia hành nghề công chúng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phân cấp trong quản lý công chứng viên.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản mở rộng, bổ sung nhiều nội dung về địa chất (điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị, tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa nhiệt...). Riêng hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được ghi nhận trên thực tế. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cao hơn giá khởi điểm 76%. Đại biểu thống nhất mở rộng trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho doanh nghiệp. Việc loại trừ khu vực khoáng sản không đấu giá có thể được thay thế bằng việc thêm điều kiện để được tham gia đấu giá. Ví dụ như, khu vực khoáng sản tại biên giới, ven biển, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh thì hạn chế nhà đầu tư nước ngoài, hoặc thêm thủ tục thẩm tra điều kiện về an ninh đối với nhà đầu tư trước khi đấu giá.

“Tất cả ý kiến đều được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đồng thời cho rà soát lại điều, khoản, chương, sự cần thiết của dự án luật; vấn đề cụ thể, chi tiết, giúp cho quá trình thảo luận của Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 8 đạt chất lượng cao nhất. Kỳ vọng rằng, khi được Quốc hội thông qua, luật sẽ đi vào đời sống, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước” - ĐBQH Trình Lam Sinh khẳng định.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tich-cuc-dong-gop-du-thao-luat-a406698.html