An Giang triển khai năm học mới
Những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ở An Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả, hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và hội nhập quốc tế.
Liên tục nhiều năm liền, An Giang đứng đầu ĐBSCL và “tốp 10” cả nước về kết quả thi THPT Quốc gia. (HỮU HUYNH)
Nhiều kết quả nổi bật
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 736 trường, gồm: 200 trường mầm non - mẫu giáo, 328 trường tiểu học (và các trường nhiều cấp học như: Phổ thông thực hành Sư phạm, GIS, iSchool), 157 trường THCS, 51 trường THPT… Tỷ lệ huy động học sinh các ngành học, cấp học hầu hết đạt khá cao so với kế hoạch. Tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non trẻ 5 tuổi, PCGD Tiểu học và PCGD THCS. Hệ thống trường, lớp đã phủ khắp 156 xã, phường, thị trấn, quy mô trường lớp đang được bố trí lại hợp lý hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, đáp ứng nhu cầu hoạt động và phát triển của ngành. Chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia ngày một nâng lên.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết, toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT từ nội dung, phương pháp, cách đánh giá nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, thể chất và kỹ năng sống của học sinh; kiện toàn và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cuối năm học 2018-2019, toàn ngành có 25.412 cán bộ, giáo viên, nhân viên (1.684 cán bộ quản lý, 21.185 giáo viên, 2.543 nhân viên), 100% đều trên chuẩn.
Đến nay, đảm bảo 100% giáo viên được bồi dưỡng khi phân công dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Tỉnh nghiên cứu xác định nội dung mới, trọng yếu của chương trình giáo dục phổ thông mới để đặt hàng đào tạo bồi dưỡng thêm cho giáo viên trên cơ sở đề xuất từ các đơn vị (bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng hè…). Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề nhằm củng cố, trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ quản lý và giáo viên đảm bảo đủ năng lực quản lý và tổ chức tốt các hoạt động giáo dục trong nhà trường và tạo điều kiện bồi dưỡng nâng chuẩn chuyên môn, trình độ ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu… Ngành tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh giao quyền tự chủ về tổ chức, tài chính, chuyên môn cho các trường đi đôi với tăng cường quản lý, thanh kiểm tra, kiểm định, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp phân luồng đào tạo nghề sau trung học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Mở rộng phạm vi vận dụng, phát huy những điểm tích cực, phù hợp của mô hình trường học mới VNEN ở cấp tiểu học và THCS… Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh theo khuynh hướng tạo môi trường ngôn ngữ trong lớp học; kết hợp nhiều kỹ năng trong một tiết dạy, chú trọng vào 2 kỹ năng nghe và nói. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. 100% các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã kết nối internet, hầu hết các đơn vị đã triển khai kết nối internet tốc độ cao (trong đó thực hiện chương trình kết nối internet trường học với Viettel chiếm 90%). Các trường tiểu học, mầm non - mẫu giáo đều có tối thiểu 1 đường truyền cáp quang; các trường THCS, THPT có tối thiểu 2 đường truyền cáp quang. Cuối tháng 5-2019, đã có 686 trường hoàn thành công tác tự đánh giá, có 461 trường được tổ chức đánh giá ngoài, 461 trường hoàn thành công nhận chuẩn chất lượng giáo dục.
Định hướng năm học mới
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình biểu dương những thành tích của ngành GD&ĐT đạt được trong năm học qua, yêu cầu tiếp tục phát huy “5 điểm sáng” để nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà trong thời gian tới. Theo đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp trường lớp hợp lý; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương và tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, khơi dậy sự tham gia của học sinh trong học tập. Cùng với đó, mỗi thầy cô giáo phấn đấu là “gương sáng” để học sinh noi theo, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường nghiên cứu, sáng tạo trong mỗi bài giảng để khơi dậy sự hứng thú cho học sinh. Tiếp tục tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia (An Giang liên tục 3 năm liền đứng đầu ĐBSCL, “Top 10” cả nước về kết quả thi THPT quốc gia).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” ngành GD&ĐT tỉnh cần khắc phục trong thời gian tới, như: tỷ lệ huy động vào nhà trẻ, mẫu giáo còn thấp so yêu cầu (số trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động trong năm học qua là 32.520/33.200, đạt 98%). Tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao (hơn 2.600 học sinh), nhất là ở bậc tiểu học và THCS. Cùng với đó, công tác phổ cập giáo dục chưa bền vững, tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt yêu cầu, đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng; một số trường còn để xảy ra bạo lực học đường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục…
Ngành GD&ĐT phối hợp các cấp, ngành, địa phương triển khai “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” (từ ngày 1-8 đến 1-9, cao điểm là thời gian chuẩn bị tựu trường từ ngày 12-8 đến 25-8) nhằm tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội cùng tham gia vận động trẻ trong độ tuổi đến trường, hạn chế học sinh bỏ học. Huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Qua đó, nâng cao ý thức nhân dân, đề cao tinh thần hiếu học… hướng đến xây dựng xã hội học tập.
Năm học này, ngành GD&ĐT tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1 và tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non. Nâng cao chất lượng tổ chức thi, kiểm tra, đặc biệt tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/an-giang-trien-khai-nam-hoc-moi-a251647.html