An Giang: Xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu trở thành thành phố đô thị loại II

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Công văn số 1829/UBND-TH về việc triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, gửi: Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thị xã Tân Châu. Mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy An Giang là xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu trở thành đô thị động lực phía Bắc của tỉnh An Giang, tập trung phát triển về kinh tế biên giới: thương mại, dịch vụ, vận tải logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu mối giao thương quốc tế của vùng qua cửa khẩu Vĩnh Xương; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh vùng biên giới Tây Nam…

Một góc thị xã Tân Châu.

Một góc thị xã Tân Châu.

UBND tỉnh An Giang cho biết: Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Căn cứ Công văn số 928-CV/BCSĐ ngày 24/12/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp UBND thị xã Tân Châu và các đơn vị có liên quan triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, thời gian trong tháng 3/2025.

Trước đó, ngày 29/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, thời gian qua, thị xã Tân Châu kinh tế tăng trưởng ổn định và chuyển dịch đúng định hướng, bước đầu phát huy được tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh các ngành ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, nông thôn có nhiều đổi mới.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện… Diện mạo và nâng cao vị thế của Tân Châu từ một vùng biên khó khăn chỉ trong thời gian ngắn đã vươn lên trở thành một thị xã năng động đạt tiêu chí đô thị loại III, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang.

Ngày khánh thành cầu Tân An, thị xã Tân Châu.

Ngày khánh thành cầu Tân An, thị xã Tân Châu.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển chưa nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của thị xã. Tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biên giới chưa được phát huy đúng mức. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về đô thị, kinh tế biên giới, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại… chưa được đầu tư phát triển xứng tầm. Công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch còn bất cập, hạn chế; tốc độ đô thị hóa còn chậm. Văn hóa - xã hội phát triển chưa theo kịp nhu cầu xã hội, xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện tốt; cải cách hành chính ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ thực tế này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết xác định: Thị xã Tân Châu là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh không chỉ của tỉnh An Giang mà cả của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu theo quy hoạch của tỉnh An Giang là nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã nói riêng và là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang.

Phát triển thị xã Tân Châu theo hướng kinh tế tổng hợp. Đẩy mạnh liên kết vùng để xây dựng thị xã trở thành trung tâm kinh tế biên giới của tỉnh, có thế mạnh về thương mại, xuất nhập khẩu, vận tải kho bãi. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, mở rộng không gian đô thị và định hướng xây dựng đô thị thông minh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống và thu nhập của nhân dân.

Theo đó, xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu trở thành đô thị động lực phía Bắc của tỉnh An Giang, tập trung phát triển về kinh tế biên giới; thương mại, dịch vụ, vận tải, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu mối giao thương quốc tế của vùng qua cửa khẩu Vĩnh Xương; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh vùng biên giới Tây Nam. Huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng và vị trí của đô thị trung tâm để xây dựng và phát triển nhanh hơn, đến cuối năm 2025 cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III và trước năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo các tiêu chí đặc thù và phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2035. Mở rộng phát triển không gian đô thị, thành lập mới cac phường: Tân An, Long An, Phú Vĩnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương.

Quy hoạch xây dựng theo hướng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và đạt chuẩn đô thị loại II: Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã đến năm 2045, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị xã theo quy định của Luật Kiến trúc, Chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đến năm 2045. Lập và phê duyệt đồ án quy hoạch các phân khu chức năng của 5 phường hiện có và các khu vực đô thị hóa cao có khả năng với định hướng thành lập các phường: Tân An, Long An, Phú Vĩnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương; Lập Đề án đề nghị công nhận thành phố, phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II trước năm 2035. Triển khai thực hiện các công trình sắp xếp dân cư, trước tiên là dự án san lắp kênh Vĩnh An để phát triển đô thị, gắn chỉnh trang đô thị với các khu dân cư, hệ thống giao thông, bảo vệ môi trường… Thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đất đai và môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xây dựng trên địa bàn nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm làm ảnh hưởng đến quy hoạch xây dựng kiến trúc đô thị.

Phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp, đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch đô thị. Xác định thế mạnh phát triển kinh tế biên giới là động lực chính của thị xã để có chiến lược đầu tư bài bản, đột phá trong phát triển, trọng tâm là ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương - Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào một số ngành dịch vụ tiềm năng để phát triển dịch vụ chất lượng cao hướng đến “xuất khẩu” sang thị trường ASEAN. Từng bước hình thành trung tâm phân phối hàng hóa cấp vùng tại thị xã Tân Châu trước khi xuất sang thị trường Campuchia.

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, quy hoạch và mời gọi đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích… Tiếp tục đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của thị xã. Xây dựng cảng Tân Châu theo quy hoạch, kết hợp khai thác lợi thế cửa khẩu đường bộ và đường thủy để đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch với Campuchia; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ: nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí… nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách qua khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương.

Đầu tư và mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cải tạo, nâng cấp Bến tàu du lịch Tân Châu; tăng cường liên kết để tổ chức khai thác, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: du lịch đường sông Mekong thông qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương; du lịch sông nước gắn với nghỉ dưỡng thuộc các xã Tân An, Vĩnh Hòa, Long Châu; du lịch tham quan các làng nghề truyền thống: lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm Châu Phong - Người Chăm, di tích lịch sử Núi Nổi - Giồng Trà Dên, chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, chùa Giồng Thành…

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mang tính đột phá của thị xã, nhất là công nghiệp chế biến (lương thực, thủy sản), tiểu thủ công nghiệp gắn với việc khai thác lợi thế kinh tế biên giới. Chủ động mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp Châu Phong, Long An, Long Sơn, Vĩnh Xương.

Đầu tư hạ tầng phát triển đô thị Tân Châu.

Đầu tư hạ tầng phát triển đô thị Tân Châu.

Đầu tư các công trình hạ tầng phòng, chống thiên tai và hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, phù hợp với yêu cầu đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục phát triển cồn Vĩnh Hòa thành khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Duy trì, nâng chất các xã đạt chuẩn, định hướng đến năm 2035 có 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay để triển khai thực hiện đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và đấu nối hạ tầng thị xã Tân Châu; dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tăng khả năng điều hòa và thoát nước, hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp đồng bộ giữa công tác đầu tư xây dựng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư được thực hiện trên địa bàn.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/an-giang-xay-dung-va-phat-trien-thi-xa-tan-chau-tro-thanh-thanh-pho-do-thi-loai-ii-392186.html