Ẩn họa từ các điểm tập kết phế liệu

Thu mua phế liệu là một trong những hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tuy nhiên mặt trái mà nó để lại cũng không hề nhỏ. Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra khá nhiều vụ việc cháy bãi tập kết phế liệu.

Vụ việc không chỉ gây thương vong, thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe người dân xung quanh và môi trường. Đáng nói, công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở rất đáng báo động...

Nhiều cơ sở thu mua phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao . Ảnh: K. Tiến

Nhiều cơ sở thu mua phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao . Ảnh: K. Tiến

Tràn lan phế liệu trong “lòng” khu phố

Thu mua phế liệu vốn là nghề đã có từ rất lâu, mấy năm gần đây phát triển khá mạnh mẽ trên địa bàn Hà Nội. Thực tế, chúng ta không phủ nhận vai trò quan trọng của nó trong việc thu gom, phân loại một lượng lớn phế liệu trong khu dân cư, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.

Song, thời gian qua, hoạt động kinh doanh này phát triển một cách tự phát, gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao…

Có mặt tại một số điểm thu mua phế liệu tại phường Mỹ Đình, trên đường Nguyễn Hoàng Tôn hay quận Hoàng Mai chúng tôi đều thấy những điểm thu mua phế liệu nhỏ lẻ, tập trung quanh những dự án đang xây dựng hoặc gần khu dân cư để thuận tiện trong việc thu mua, tập kết phế liệu.

Đáng kể đến là làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) hiện có khoảng 70 hộ thu mua nhựa, 12 hộ kinh doanh phế liệu. Phần lớn trong số những hộ này là phát triển tự phát theo quy mô gia đình, với quy trình sản xuất thủ công. Một số hộ dân còn thu mua cả vật liệu có nguy cơ nổ cao như bình gas, bình oxy cũ. Trong các nhà xưởng, dây điện được mắc tạm bợ, công nhân sản xuất hầu hết là lao động thời vụ, thiếu kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy...

Tương tự làng Triều Khúc, mỗi ngày thôn Xà Kiều (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) tiếp nhận hàng chục tấn phế liệu được thu gom từ nhiều nơi. Chủ yếu phế liệu là đồ nhựa đã qua sử dụng.

Do lượng phế liệu quá lớn, nên hầu hết diện tích trống trong làng đều được tận dụng làm nơi tích trữ. Thế nhưng, tất cả các hộ buôn bán phế liệu ở đây đều chủ quan với công tác an toàn khi hầu như không trang bị thiết bị chữa cháy nào. Nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi người dân nơi đây còn đốt các loại phế liệu để lấy kim loại tái chế.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở thu gom phế liệu không bảo đảm an toàn, xen lẫn trong khu dân cư, thậm chí ngay tại các quận nội thành. Tại ngõ 34 phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), một loạt ngôi nhà tạm bợ được dựng lên làm nơi tập kết phế liệu như nhựa, giấy... và cả các thiết bị dễ cháy, nổ như bình ắc quy, bình gas, linh kiện điện tử. Hay như khu nhà BT4, Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) trong nhiều năm qua cũng là điểm được người dân thuê lại làm nơi thu mua sắt vụn.

Theo quan sát của phóng viên, phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố hiện nay đều của tư nhân, kinh doanh nhỏ lẻ, xung quanh kho kết hợp nơi ở, sát nhà dân. Phế liệu được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, đủ các chủng loại như: Giấy, nylon, sắt, thép, nhựa, tủ lạnh, ti vi, máy giặt, bình ga … đã qua sử dụng.

Đặc biệt, khi được hỏi về những phương án phòng chống cháy nổ, một cơ sở kinh doanh phế liệu tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết, họ chỉ dựa vào những kinh nghiệm của bản thân trong việc lựa chọn và phân loại vật liệu tại cửa hàng của mình; đồng thời, khẳng định rất khó có nguy cơ gây cháy nổ.

Anh Nguyễn Văn Nam (đường Nguyễn Hoàng Tôn) chia sẻ: “Gia đình tôi ngay gần một cơ sở thu mua phế liệu. Hằng ngày, nhìn hàng trăm kilogam phế liệu được thu hồi, chất đống và không phân loại rõ ràng khiến tôi vô cùng lo sợ nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trước đây, ngay tại cơ sở phế liệu này đã từng xảy ra một vụ cháy nhỏ, tuy nhiên may mắn được người dân dập tắt kịp thời”. Không chỉ riêng anh Nam, rất nhiều những hộ gia đình khác đang sống bên cạnh những cơ sở phế liệu cũng luôn phải sống trong sợ hãi.

Cần siết chặt quản lý hơn nữa

Hàng năm trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại các cơ sở phế liệu. Vào năm 2017, dư luận đang hết sức quan tâm đến vụ nổ kinh hoàng tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) làm 2 người chết, nhiều người bị thương và hàng loạt căn nhà bị san phẳng.

Trước đó vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 19/03/2016, vụ nổ trước cửa số nhà 15 - TT9 khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Thủ đô Hà Nội (thu mua phế liệu). Thiệt hại 04 người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng. Toàn bộ cửa, mái hiên trước, tường bị phá hủy hoàn toàn và những ngôi nhà kế bên hư hỏng nặng. Nguyên nhân do cưa vật liệu nổ…

Những vụ việc nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều sự cố cháy nổ liên quan đến các bãi chữa phế liệu trên địa bàn thành phố thời gian qua. Theo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, hầu hết vụ cháy đều xuất phát từ những nguyên nhân chính như chủ cơ sở sử dụng điện không an toàn; nhiều người hút thuốc, “tiện tay” ném ngay xuống bãi phế liệu gây cháy; đun nấu gần khu vực tập kết phế liệu hay hàn cắt phế liệu gây cháy. Điều đáng nói là tại những nơi này, chủ cơ sở hầu như không lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, không trang bị phương tiện chữa cháy cầm tay.

Mặt khác, rất nhiều cơ sở thu mua phế liệu hoạt động trong ngõ dẫn tới việc xe chữa cháy khó vào, chưa kể có rất ít trụ nước chữa cháy xung quanh cộng với đó việc tập kết phế liệu chất thành đống cao, che bít lối thoát nạn…Khi cháy nổ xảy ra sẽ vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trong khi hậu quả của việc cháy bãi tập kết phế liệu là rất lớn. Nó không chỉ gây thương vong, thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của người dân xung quanh và môi trường.

Trước tình trạng trên, đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, sớm có quy hoạch di dời những cơ sở thu mua phế ra khỏi các khu dân cư theo quy định, tránh làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường địa bàn. Mặt khác, việc cấp phép cho các cơ sở thu mua phế liệu phải lấy yếu tố phòng cháy chữa cháy làm điều kiện kiên quyết.

Trước khi cấp giấy phép kinh doanh, các cơ quan chuyên môn nên phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ để hướng dẫn cơ sở thu mua phế liệu thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy. Đồng thời yêu cầu họ cam kết không để vi phạm tồn tại và tiến hành tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cơ bản cho lực lượng cơ sở, trong đó có những người hoạt động ngành nghề này.

KIM TIẾN

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/an-hoa-tu-cac-diem-tap-ket-phe-lieu-96508.html