Bị hại có cơ hội sớm nhận bồi thường

Quốc hội đang xem xét thông qua 'dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự' nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất thí điểm (trong 3 năm, từ năm 2025) xử lý ngay các vật chứng, tài sản từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, đối với vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản gồm: trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Đối với biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh. Khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) cho biết, thời gian qua, quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế có quy mô và tính chất đặc biệt lớn như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), vụ FLC, AIC, Việt Á, Tân Hoàng Minh...; đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa nhiều bất động sản và tài sản có giá trị lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.

“Việc xử lý phải chờ thời gian tiến hành tố tụng đối với vụ việc, vụ án hàng năm trời, dẫn đến vật chứng, tài sản bị thu giữ bị đóng băng. Điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, mất cơ hội kinh doanh, tài sản bị mất giá trị”, ông Hải nói.

Thậm chí, trong một số vụ án, quá trình xác minh, điều tra phát hiện có những vụ việc cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn người nắm giữ tài sản liên quan đến hành vi phạm tội có thể tẩu tán, chuyển nhượng tài sản đó, nhưng pháp luật không quy định biện pháp tạm ngừng giao dịch.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với việc ban hành Nghị quyết để xử lý trước một bước đối với những tài sản kê biên, phong tỏa nhằm đảm bảo quyền lợi cho công tác tư pháp cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đối với đề xuất nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản, theo ông Hòa, đây là điều rất cần thiết mà trước giờ không có. Ông cho rằng, nên mở rộng đối tượng là người thân thiết, người quen có tiền bảo lãnh để nhận tài sản đem về bán, tiêu thụ hoặc sử dụng, không nhất thiết chỉ những đối tượng trong vụ án. Tuy nhiên, việc cho phép chuyển nhượng, mua bán tài sản này cần phải rất thận trọng, có định giá và nghiệm thu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM bày tỏ băn khoăn, dự thảo Nghị quyết có phạm vi rộng, liên quan đến tiền, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các ngân hàng; nếu làm không chặt chẽ có thể xảy ra vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi các bên có liên quan gồm bị hại, bị can, bị cáo và nhà đầu tư nước ngoài.

“Nghị quyết này đưa cả vật chứng và tài sản vào phạm vi điều chỉnh là điều cần rất thận trọng. Tài sản không phải vật chứng, tức không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự”, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, đại biểu Nghĩa e ngại Nghị quyết nếu áp dụng từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm có thể trái với nguyên tắc suy đoán vô tội (không ai bị coi là có tội trước khi tòa án phán quyết) và gây ra tình trạng xử lý vật chứng, tài sản sai trong trường hợp tin tố giác bắt nguồn từ hiểu lầm, cạnh tranh không lành mạnh...

Vì vậy, Nghị quyết cần phân định rõ các biện pháp xử lý tài sản phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội và phù hợp với quyền định đoạt tài sản ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự.

Trong quá trình điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Hội đồng xét xử sơ thẩm hồi tháng 3/2024 kết luận, thông qua việc tạo lập hồ sơ gian dối, vi phạm pháp luật để phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ trị giá 10.300 tỷ đồng, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh và các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 8.643 tỷ đồng cho 6.630 khách hàng, được xác định là bị hại trong vụ án.

Nhiều bị hại bày tỏ nguyện vọng sớm nhận được tiền bồi thường, nhưng quy định về xử lý vật chứng, tài sản có những vướng mắc, bất cập nên vẫn phải chờ.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bi-hai-co-co-hoi-som-nhan-boi-thuong-post358209.html