Ẩn họa từ chung cư chờ sập

Không chỉ khó thu hút nhà đầu tư do hiệu quả kinh tế thấp, việc quản lý, cải tạo xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân. Trong lúc 'rối' về giải pháp, cư dân sống tại các chung cư cũ nát vẫn đang thấp thỏm chờ được tái định cư.

Không riêng TPHCM, Hà Nội cũng còn rất nhiều chung cư cũ cần phải di dời dân. Ảnh: Quang Vinh.

Không riêng TPHCM, Hà Nội cũng còn rất nhiều chung cư cũ cần phải di dời dân. Ảnh: Quang Vinh.

Sau nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều cư dân sống tại chung cư cũ 440 Trần Hưng Đạo (quận 5, TPHCM) phản ánh một số mảng tường nứt toác, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Chung cư 440 Trần Hưng Đạo được xây dựng cách đây ngót nghét đã hơn 50 năm, với kiến trúc trệt, lửng, 2 lầu và sân thượng. Dù vậy, qua thời gian nhiều mảng tường bong chóc, xuất hiện vết nứt, chưa kể phần mái mái tôn được chắp vá qua nhiều giai đoạn cũng đã xuống cấp, buộc hàng chục hộ dân nằm trong danh sách di dời.

Nhiều chung cư cũ cần di dời dân gấp

Theo ông Nguyễn Xuân Trung - Phó chủ tịch UBND quận 5, TPHCM, phương án của quận nếu hộ dân di dời từ trước Tết Nguyên đán đến ngày 15/2, mỗi hộ được nhận 50 triệu đồng. Những hộ di dời từ 16/2 – 28/2 sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ; từ sau 28/2 sẽ không được hỗ trợ thêm.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Phụng, một cư dân ngụ tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo cho biết, các hộ dân đề nghị trước khi thực hiện dự án cải tạo xây mới chung cư này, UBND quận 5 cần công bố công khai cho người dân được biết phương án bồi thường, hỗ trợ.

“Để người dân yên tâm di dời, mọi người mong muốn biết được mình sẽ được giá đền bù và quyền lợi phù hợp hay chưa sau khi di dời” - ông Trần Xuân Bộ, một cư dân khác tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo chia sẻ.

Trước chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5), hàng chục hộ dân lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1) đã phải di dời khẩn cấp do hiện trạng một bên tường chung cư bị nghiêng 45 cm kèm dấu hiệu nghiêng lún gây nguy hiểm đến các công trình xung quanh. Ngay sau đó, đã có 38 hộ dân của lô E chung cư này nhanh chóng đồng ý ký vào biên bản tháo dỡ để xây mới lại lô E. Được biết, chung cư 518 Võ Văn Kiệt có 5 lô với hàng trăm hộ dân sinh sống, được xây từ giai đoạn năm 1996 đến 1999 được đưa vào sử dụng.

Sau khi hoàn tất công tác di dời, hiện nay UBND quận 1, TPHCM đang dự kiến kêu gọi đầu tư công trình thay thế lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt dự kiến cao 19 tầng. Ngoài ra, theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, công trình sẽ được quy hoạch diện tích khuôn viên đất lên đến khoảng 860m2, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.730m2. Vừa qua, UBND quận 1 cũng đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp để mời gọi đầu tư xây dựng mới Lô E Chung cư số 518 đường Võ Văn Kiệt theo phương án đã quy hoạch kể trên.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, kể từ đầu năm nay thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây mới 6 chung cư “chờ sập” trên địa bàn thành phố. Trong số này, có 4 chung cư đã hoàn tất việc di dời các hộ dân và 2 chung cư còn lại vẫn đang thực hiện thủ tục đầu tư. Trong cả 6 chung cư được liệt vào danh sách di dời này, Sở Xây dựng xếp 2 chung cư cũ vào cấp D, tức cấp nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp, với quy mô 360 căn hộ. Đối với nhóm 4 chung cư cũ còn lại đã xây dựng từ nhiều thập niên trước, đang được gấp rút tháo dỡ. UBND các quận 1, 3, Bình Thạnh và Tân Bình cũng đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng, với quy mô dự kiến 2.568 căn hộ để ổn định cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại các chung cư này.

Một khu nhà chung cư cũ trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TPHCM.

Một khu nhà chung cư cũ trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TPHCM.

Cần sự đồng thuận từ nhiều phía

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện gia đình bà Trần Nghiêm Nhạn (65 tuổi) là trường hợp cư dân chung cư cũ 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) được bố trí di dời về chung cư An Phú (TP Thủ Đức) cho biết, cuộc sống ở nơi ở mới khá khang trang, rộng rãi.

“Căn hộ ở đây rộng 80m2 so với những căn phòng chỉ với diện tích khoảng 20 m2 ở chung cư cũ. Dù thoải mái, vui mừng nhưng gắn bó với chung cư 440 Trần Hưng Đạo gần 30 năm, người dân chúng tôi tất nhiên có nhều nỗi niềm. Thời gian tới, chắc dần dân đâu cũng sẽ vào đấy thôi”- bà Nhạn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Vĩnh, một hộ dân ở chung cư 128 Hai Bà Trưng (quận 1) cũng đã cùng gia đình di dời về nơi tái định cư mới. Ông Vĩnh vui mừng cho biết, việc có một nơi tái định cư mới an toàn, an ninh, sạch đẹp từ sự hỗ trợ ngân sách nhà nước là điều đáng mừng. Thế nhưng, chính quyền các quận trung tâm TPHCM cần khắc phục công tác giải quyết bồi thường còn chậm và cũng chưa phù hợp khiến nhiều hộ dân tại các chung cư cũ chờ sập của thành phố chưa đồng thuận để di dời.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, cải tạo xây dựng chung cư cũ trên địa bàn, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM cho biết, ở hầu hết các công trình cải tạo chung cư trong thời gian qua đều vướng mắc vấn đề sở hữu chung và bài toán về kinh tế do mời gọi được doanh nghiệp đầu tư cải tạo chung cư cũ là không hề dễ dàng.

Từ thực tiễn quản lý khoảng trên dưới 90 chung cư trên địa bàn quận 1, ông Vinh chia sẻ, hiện nay Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư tạo hành lang thuận lợi để các địa phương vận dụng vào công tác cải tạo xây mới chung cư cũ. Thế nhưng việc quy định phải hoàn trả quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đang là vấn đề chính khiến các nhà đầu tư phải tính toán đến lợi ích kinh tế của họ khi quyết định đầu tư.

Dẫn chứng cụ thể, ông Vinh cho biết chung cư 128 Hai Bà Trưng (quận 1) là chung cư cấp D vừa qua được nhà đầu tư kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có việc xem xét bồi thường bằng tiền hay bằng nhà và bồi thường như thế nào do liên quan tới sở hữu nhà nước. Các vấn đề này vẫn đang được UBND quận 1, các Sở ngành liên quan tham mưu để UBND TP quyết định tháo gỡ.

Trong khi đó, ông Hoàng Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH thiết kế kiến trúc Phú Mỹ thẳng thắn chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay đến từ rất nhiều phía và nhiều vấn đề từ quy hoạch, công tác bồi thường, sở hữu chung/riêng đến các vấn đề về bố trí tái định cư và thu hút đầu tư, cải tạo.

Tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư

KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes cho biết: Tôi thấy rằng đại diện nhiều doanh nghiệp có quan tâm đến đầu tư cải tạo chung cư cũ nhưng tại sao các quận chưa kêu gọi được? Phải chăng việc chưa hài hòa được lợi ích giữa nhà đầu tư và lợi ích của địa phương là một vấn đề nan giải. Địa phương phải tính được giá trị quyền sử dụng đất và quyền phát triển dự án của các chủ sở hữu chung cư và phải giải ngân sòng phẳng cho các chủ sở hữu. Điều này cần sự chung tay từ nhiều phía và sự tháo gỡ, hỗ trợ từ quy định hiện hành, trong đó lợi thế của TPHCM chính là đang được thí điểm cơ chế đặc thù.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-hoa-tu-chung-cu-cho-sap-5709756.html