Ẩn họa từ rượu ngâm 'tạp pí lù'…
Với những đệ tử lưu linh, các loại rượu ngâm như: rễ cây, hoa lá, củ quả, cây rừng cho đến rượu ngâm mật gấu, hổ mang chúa, bọ cạp, côn trùng… không chỉ thỏa lòng đam mê mà còn thỏa chí tiên tửu. Mặc dù những loại rượu ngâm này luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nếu không biết bào chế, sử dụng đúng cách và đúng liều lượng.
Thế nhưng chúng vẫn được sử dụng phổ biến và được rao bán tràn lan trên mạng xã hội bất chấp lời cảnh báo cũng như những vụ ngộ độc gây chết người đã xảy ra.
Bi kịch vì rượu…
Rượu ngâm vừa là phương thuốc, vừa là loại đồ uống phổ biến với nhiều người. Tuy nhiên, mỗi loại rượu ngâm lại có những công dụng riêng, nếu việc sơ chế và sử dụng không đúng cách sẽ biến thành rượu độc. Hàng năm, ngành y tế ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc rượu ngâm.

Một bệnh nhân ngộ độc rượu được các bác sĩ Bệnh viện quân y 175 chăm sóc, điều trị tích cực.
Sự việc đau lòng vừa xảy ra gồm 6 người cùng ngụ tại Tiền Giang bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu ngâm trái cây trong thời gian đi du lịch tại Ninh Thuận. Riêng một trường hợp nặng nhất là nam thanh niên P.N.Q.K. (25 tuổi) không có dấu hiệu phục hồi.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khi nhập viện Q.K. có triệu chứng rất nặng, sau đó hôn mê sâu, có biểu hiện lâm sàng chết não. Kết quả đo điện não thấy sóng chậm lan tỏa, không đáp ứng kích thích, phù hợp với tình trạng chết não. Đến chiều ngày 1/4, bệnh nhân đã tử vong. Chẩn đoán nguyên nhân tử vong là do ngộ độc methanol mức độ nặng, biến chứng toan chuyển hóa, tổn thương đa tạng, phù não lan tỏa gây tụt não, trụy hô hấp tuần hoàn.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, các bệnh nhân trong vụ ngộ độc đều có nồng độ methanol cao vượt ngưỡng đo. Tất cả 6 bệnh nhân đều rơi vào tình trạng ngộ độc rất nặng. “May mắn nhờ phát hiện sớm một người trong nhóm bị nặng nên tất cả được đưa vào cấp cứu kịp thời. Nếu chậm khoảng vài giờ mới được lọc máu cấp cứu thì tình trạng của 5 bệnh nhân còn lại có lẽ đã nặng hơn rất nhiều, có khả năng nguy hại đến tính mạng”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nói.

Các loại rượu ngâm được rao bán công khai trên mạng xã hội.
Trước đó, tại Quảng Ninh, 5 người đàn ông bị ngộ độc phải nhập viện sau khi uống rượu ngâm với rễ cây rừng, một người trong đó đã tử vong. Nạn nhân tử vong là ông L. Đ. V. (49 tuổi, xã An Sinh, TP Đông Triều). Theo điều tra ban đầu, ông V. cùng 4 người khác ăn cơm và uống rượu. Sau khi uống hết một lít rượu trắng, họ tiếp tục uống thêm rượu có ngâm với rễ cây rừng. Vài tiếng sau, các bệnh nhân choáng, ngứa, nặng mi mắt, hoa mắt, buồn ngủ, mệt mỏi nên được đưa vào Trung tâm Y tế TP Đông Triều để cấp cứu và điều trị. Đến 15h 30’ cùng ngày ông V. qua đời.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm để uống. Cảnh giác khi có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đặc biệt là mờ mắt, hoa mắt, cảm giác như nhìn thấy màn sương, những biểu hiện ban đầu của ngộ độc methanol. Một số người có thể diễn tiến hôn mê nhanh. Khi có triệu chứng bất thường, cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để kịp thời gian vàng cứu chữa.
Về vụ việc 6 người ngộ độc rượu ngâm trái cây ở Ninh Thuận, Cục An toàn thực phẩm vừa có văn bản đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm vi phạm. Cục đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo đơn vị điều trị tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Điều tra về lịch sử ăn uống của bệnh nhân, thu thập kết quả xét nghiệm, điều trị của bệnh viện gửi Sở Y tế Tiền Giang để phối hợp.

Cồn methanol công nghiệp được rao bán tràn lan trên thị trường.
Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận tiến hành điều tra các cơ sở ăn uống liên quan đến các bữa ăn nghi ngờ của bệnh nhân để cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt các cơ sở nấu rượu thủ công, nhỏ lẻ; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác lưu thông trên thị trường.
Tăng cường truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.
Cẩn trọng khi mua rượu online
Đã có nhiều ca ngộ độc rượu dẫn đến chết người hoặc thập tử nhất sinh trong những năm trở lại đây. Cùng với đó là những lời cảnh báo, khuyến cáo từ chuyên gia, bác sĩ, nhà chức trách, nhưng món uống mang tên “rượu ngâm” vẫn được xem là tiên tửu trên bàn nhậu và là món quà độc lạ con người mang biếu tặng nhau.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Trên mạng xã hội, chúng tôi chỉ cần gõ cụm từ “rượu ngâm”, lập tức cho ra hàng chục cửa hàng online quảng cáo không ngớt lời về công dụng của từng loại rượu. Tài khoản có tên “tiệm rượu cô Ba” giới thiệu là nhà phân phối hơn chục loại rượu ngâm như: rượu bạch mã hoàng tử, rượu tắc kè hoa, rượu khủng long, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến rượu ngâm hoa quả sơn, quy tụ 7 loài thảo dược quý trên đỉnh núi Cấm (An Giang). Một chai hoa quả sơn thể tích 1 lít, có giá 800.000 đồng, chai bạch mã hoàng tử có giá 650.000 đồng, chai tắc kè hoa có giá 500.000 đồng…Tất cả các loại này đều miễn phí giao hàng trên toàn quốc.
Hỏi về công dụng của các loại rượu ngâm trên, chủ shop đã rất nhiệt tình tư vấn cho chúng tôi: “Chúng có khả năng chống oxi hóa, giúp ngăn chặn sự tổn thương của các tế bào do các gốc tự do gây ra, giúp giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến tắc nghẽn mạch máu và đột quỵ. Giúp chị em trẻ mãi không già, giúp cánh đàn ông tăng cường sinh lực…”, chủ shop “tiệm rượu cô Ba” tư vấn.
Tuy nhiên, những lời quảng cáo có cánh như trên đã được lập trình sẵn cho các loại rượu, được hệ thống trả lời như một cái máy. Tuyệt nhiên không hề có thông tin chi tiết về thành phần, cũng như chống chỉ định với các đối tượng có hệ miễn dịch không cho phép.
Chuyển sang một tiệm rượu khác có tên “hồng tửu”, chúng tôi được tư vấn dùng loại rượu ngâm hoa quả rừng có tác dụng lưu thông khí huyết, chống lão hóa và tăng cường thể trạng. Với đàn ông, shop tư vấn dùng rượu “ngũ long”, được ngâm từ 5 loại rễ cây trộn vào là: sâm cau, đinh lăng, xấu hổ, ba kích, mật gấu. “Đây là loại rượu rất được ưa chuộng, bên em đã bán hàng nghìn chai ra thị trường trong và ngoài nước. Loại này ai có bệnh thì dùng chữa bệnh, ai không có bệnh uống vào khỏe ra, phòng bệnh luôn”, chủ shop quảng cáo.
Ngoài ra, chúng tôi còn được chủ tiệm rượu online giới thiệu rượu ngâm rắn hổ mang chúa 3,1kg: “Rượu rắn rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, đau xương khớp, đau dây thần kinh ngoại biên, suy yếu sinh lý… Đây là hàng đặc sản, số lượng rất ít nên shop không tiện rao bán công khai. Khách hàng mua thì đặt tiền trước”, chủ shop bật mí về loại rượu thượng hạng nhưng chỉ bán qua online, không bán trực tiếp.
Có thể thấy, một đặc điểm chung của những người bán rượu ngâm online là tư vấn chung chung, luôn lảng tránh những câu hỏi chi tiết về thành phần ngâm trong rượu nhưng lại tăng cường quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm như một loại thần dược chữa nhiều loại bệnh. Thực tế, trong các loại rượu rao bán trên mạng được ngâm với con gì, loại thảo dược gì, quá trình pha trộn ra sao thì chỉ có người bán và… “ông trời” mới biết, hiệu quả thực sự thì chưa được chứng minh cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng vẫn có nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn mua về để sử dụng hoặc làm quà biếu.
Theo các chuyên gia y tế, rượu ngâm vừa là phương thuốc, vừa là loại đồ uống phổ biến với nhiều người. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý mỗi loại rượu ngâm lại có những công dụng riêng, nếu việc sơ chế và sử dụng không đúng cách sẽ biến thành rượu độc. Ngoài ra, rượu thuốc cũng là con dao hai lưỡi, nếu không biết dùng đúng, đủ liều lượng hoặc quá lạm dụng sẽ gây phản tác dụng tới sức khỏe.

Bác sĩ Trần Xuân Linh, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh.
Theo Bác sĩ Trần Xuân Linh, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh), thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì suy gan, suy thận, tổn thương tụy… do uống rượu ngâm động vật với mong muốn chữa trị đau nhức cơ xương khớp, tráng dương, cường dương... Việc kiểm chứng nguồn gốc động vật và chất lượng rượu trắng dùng để sản xuất rượu ngâm là vấn đề lớn cần quan tâm. Đối với động vật ăn thịt sống như rắn, hổ, gấu, các loài chim… thì trong lông và nội tạng đều chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu sơ chế, làm sạch không kỹ hay vẫn còn nguyên lông, nội tạng thì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh cho con người.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh chia sẻ, uống rượu ngâm lá cây, rễ cây không rõ nguồn gốc, người uống dễ gặp phải rủi ro về sức khỏe. Chúng ta cần thận trọng, không nên mua những loại lá, rễ cây để ngâm rượu nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình ngâm có thể lẫn tạp chất, việc bảo quản không đúng cách hoặc khi ngâm lẫn lộn nhiều loại có thể gây tương tác giữa các loại dược phẩm với nhau. Bên cạnh đó, cách bảo quản trong quá trình ngâm rất quan trọng, nếu bảo quản không đúng rất dễ dẫn đến ngộ độc.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cảnh báo, người dân không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đồng thời, không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/an-hoa-tu-ruou-ngam-tap-pi-lu-i764337/