Án hôn nhân gia đình tăng mạnh - cần sự vào cuộc quyết liệt của đoàn thể

Ly hôn là quyền của mỗi cá nhân, được pháp luật cho phép. Nhưng thực tế, tình trạng ly hôn gia tăng, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, những đứa trẻ đa phần lớn lên trong sự thiếu tình thương, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, dễ tổn thương về mặt tâm lý, hình thành nhân cách lệch lạc. Đó cũng là một trong những lý do vì sao những năm gần đây, tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên có xu hướng tăng.

Phụ nữ chủ động ly hôn cao

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Kế Sách, 3 năm qua, toàn huyện phát sinh 1.504 án hôn nhân gia đình (HNGĐ), chiếm tỷ lệ 64,1% trên tổng số án thụ lý và loại án này liên tục gia tăng cao theo từng năm. Theo đó, các cặp vợ chồng thuận tình ly hôn chiếm 67,6%; vụ đình chỉ là 16,9% và tỷ lệ đưa ra xét xử chiếm 15,2% (có tranh chấp). Ở đây, người vợ đứng đơn ly hôn chiếm trên 73% và rơi nhiều vào độ tuổi dưới 30 (chiếm 50%) nên phần lớn con cái chưa thành niên.

Các cơ quan, đoàn thể huyện Kế Sách cùng tìm ra nguyên nhân và giải pháp để hạn chế tình trạng án HNGĐ gia tăng mạnh trên địa bàn. Ảnh: S.M

Các cơ quan, đoàn thể huyện Kế Sách cùng tìm ra nguyên nhân và giải pháp để hạn chế tình trạng án HNGĐ gia tăng mạnh trên địa bàn. Ảnh: S.M

Qua công tác kiểm sát giải quyết án HNGĐ, ông Trần Minh Tiên - Viện trưởng VKSND huyện Kế Sách cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn, trong đó, chủ yếu là do các cặp vợ chồng kết hôn còn quá trẻ; chỉ vì yêu nhanh, cưới vội mà chưa tìm hiểu kỹ và chuẩn bị tốt các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Đến lúc xảy ra mâu thuẫn, họ không biết cách xử lý, dẫn đến bạo lực gia đình và các loại tệ nạn xã hội (cờ bạc, rượu chè...), mâu thuẫn ngày càng trầm trọng và hôn nhân đổ vỡ là điều tất yếu. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế khó khăn, không nghề nghiệp ổn định, các cặp vợ chồng phải đi làm xa tại các thành phố có các khu, cụm công nghiệp. Rồi việc xa cách, thiếu thốn tình cảm và dễ phát sinh ngoại tình. Trong cuộc sống hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ không có sự kiên nhẫn, thiên về lối sống cá nhân (cái tôi quá lớn) và không có sự chịu đựng, lòng vị tha, cũng không biết hy sinh cho gia đình, con cái. Họ sẵn sàng dùng những lời lẽ xúc phạm danh dự và thái độ coi thường nhau. Tuy sống chung nhưng không cùng quan điểm rồi dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã và đến một thời điểm nhất định, ly hôn là giải pháp tốt nhất mà họ lựa chọn.

Ở Kế Sách, vẫn có xảy ra tình trạng bất bình đẳng trong cuộc sống vợ chồng. Hôn nhân là phải có sự chung tay gánh vác nhưng khi một bên phải đảm nhận quá nhiều trách nhiệm trong quan hệ hôn nhân từ việc kiếm tiền, chăm sóc con cái, đối nội, đối ngoại… đến một ngày, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, họ muốn buông xuôi và quyết tâm ly hôn để chấm dứt tình trạng này. Ngoài ra, có việc ly hôn vì mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu và nhiều vụ ly hôn không rõ nguyên do từ đâu.

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Có thể giải thoát cho các cặp vợ chồng khỏi sự tù túng và mỗi người có cơ hội tạo lập một cuộc sống mới hạnh phúc hơn. Nhưng hôn nhân tan vỡ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới những đứa trẻ, mỗi gia đình mà còn tác động phần nào đến sự quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương.

Để nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình

Từ thống kê trên, đối tượng phụ nữ và độ tuổi thanh niên có tác động, sức ảnh hưởng và quyết định rất lớn đối với vấn đề ly hôn gia tăng trên địa bàn Kế Sách. Đồng chí Trần Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kế Sách nhận định: “Xét về góc độ bình đẳng giới, ly hôn tăng không phải là vấn đề xấu. Trước đây, chị em phụ nữ tìm đến hội và chia sẻ, hôn nhân của mình là sự chịu đựng, không hề có hạnh phúc nhưng họ không dám ly hôn vì nhiều lý do. Giờ chị em phụ nữ đã có những suy nghĩ thoáng, tiến bộ hơn”. Nhưng đáng nói ở đây, việc ly hôn ở giới trẻ với những lý do “chẳng đâu vào đâu” và không hiểu được tầm quan trọng của giá trị hạnh phúc gia đình. Khi có mâu thuẫn, người lớn hai bên lại có động thái bênh vực con mình và đôi khi còn xúi giục bọn trẻ ly hôn thay vì hàn gắn. Chính vì thế, để hạn chế việc ly hôn ở giới trẻ, cần có những lớp tuyên truyền tiền hôn nhân và phát huy được người uy tín trong công tác hòa giải cơ sở.

Hội LHPN huyện Kế Sách đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép kiến thức pháp luật, nhất là Luật HNGĐ cho phụ nữ. Ảnh: S.M

Hội LHPN huyện Kế Sách đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép kiến thức pháp luật, nhất là Luật HNGĐ cho phụ nữ. Ảnh: S.M

Bí thư Huyện đoàn Kế Sách Huỳnh Quốc Huy cho biết, hiện nay giới trẻ trên địa bàn đa phần rất mê điện thoại, mê chơi game hơn là chia sẻ với bạn đời. Chính vì thế, giữa các cặp vợ chồng trẻ thiếu sự thấu hiểu, gắn bó, đồng cảm và khi có mâu thuẫn dễ dẫn đến đổ vỡ. Nhưng muốn tập hợp, tuyên truyền tiền hôn nhân đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên sẽ gặp khó khăn, vì đối tượng này phần lớn đi làm ăn xa, không có ở địa phương. Tuy nhiên, Huyện đoàn sẽ tích cực tuyên truyền lồng ghép trong đoàn viên, thanh niên qua các hoạt động phong trào của đoàn về vấn đề tiền hôn nhân.

Theo đồng chí Trần Minh Tiên, để hạn chế việc phát sinh án HNGĐ, mong cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, đưa nội dung tuyên truyền vào các nghị quyết, giáo dục đảng viên gương mẫu chấp hành và vận động người thân chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật HNGĐ. Đối với chính quyền địa phương, có hướng chỉ đạo các đơn vị, đoàn thể, cơ quan quản lý gia đình ở địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền với mọi hình thức như: Thông qua hệ thống truyền thanh tại các ấp, thông qua họp tổ dân phố, thông qua họp chi đoàn, họp tổ phụ nữ để họ nắm và hiểu rõ vai trò, trách nhiệm trong việc duy trì, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm thực hiện chính sách kinh tế phù hợp với từng địa bàn, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, giúp vốn, định hướng xây dựng kinh tế gia đình. Vì chỉ khi kinh tế gia đình phát triển, gia đình ấm no, hạnh phúc mới giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở vì qua thực tế, số vụ ly hôn qua hòa giải cơ sở rất thấp do pháp luật chỉ khuyến khích hòa giải trước khi ly hôn, đây không phải là thủ tục bắt buộc. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hòa giải tại tòa án đối với án HNGĐ, vì hòa giải tại tòa là thủ tục bắt buộc (đối với trường hợp có đăng ký kết hôn).

Việc rạn nứt trong hôn nhân luôn mang đến sự âu lo cho xã hội, bởi gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào có khỏe mạnh thì xã hội mới ổn định, phồn vinh và phát triển. Chính vì thế, cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là vai trò của đoàn thể trong việc tuyên truyền, để mỗi cá nhân nhận thức được tầm quan trọng của giá trị hạnh phúc gia đình.

Sớm Mai

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/an-hon-nhan-gia-dinh-tang-manh-can-su-vao-cuoc-quyet-liet-cua-doan-the-37465.html