An lạc trong tuần lễ Phật đản
Bước vào những ngày tháng 4 âm lịch, phật tử khắp nơi hào hứng đón chào lễ Phật đản - kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Đây là một trong những lễ lớn trong Phật giáo, gắn với các hoạt động văn hóa tâm linh đặc trưng, có giá trị lan tỏa tinh thần bác ái, cộng đồng phật tử kết nối, chia sẻ niềm tin và thực hiện các hoạt động từ thiện.
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023 diễn ra từ ngày 26/5 đến 2/6 (nhằm ngày 8/4 đến 15/4 âm lịch), kết hợp giữa các truyền thống của Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nguyên Thủy.
Năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã quyết định công nhận ngày Lễ Vesak là một ngày “tam hợp”, kết hợp 3 ngày lễ: Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết Bàn, được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch.
Đại lễ Phật đản trở thành lễ hội lớn của những người theo đạo Phật nói riêng và những người mến mộ đạo Phật, cũng như cộng đồng. Trong tuần lễ diễn ra sự kiện, các chùa, tịnh xá, tinh thất đều trang trí long trọng, tổ chức thuyết giảng, tụng kinh… cầu mong những điều tốt lành.
Phật tử đến chùa ăn chay, góp việc làm từ thiện, nghe những lời giáo huấn về lối sống hướng thiện, soi rọi thân tâm… Trong không khí an lạc, tuần lễ Phật đản lan tỏa giá trị văn hóa tích cực, cùng nhau xây dựng thế giới an lành và thịnh vượng.
Lễ tắm Phật là nội dung không thể thiếu trong mùa Phật đản. Nghi thức tắm Phật có ý nghĩa để mỗi người liên tưởng tới việc gột rửa thân tâm của bản thân, nhằm tìm lại sự thanh tịnh vốn có.
Tùy theo điều kiện, một số chùa còn tổ chức hoạt động ý nghĩa đi kèm, như: Tặng chữ thư pháp, kết hợp trao tặng quà tại chùa hoặc đến tận nhà để thăm hỏi, giúp đỡ người hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật.
Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn dành sự quan tâm, tổ chức đoàn đến thăm hỏi ân cần tại các cơ sở thờ tự. Đồng thời gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến tăng ni và phật tử nhân dịp lễ Phật đản.
Trải qua đại dịch COVID-19 và những khó khăn, bất ổn còn diễn ra trên thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi tăng ni, Phật tử ra sức hành thiện, đóng góp xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình.
Đồng thời, cụ thể hóa thông điệp của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng những hành động cụ thể, thiết thực, tiếp tục lan tỏa giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của Phật giáo trong nguồn lực xã hội.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-lac-trong-tuan-le-phat-dan-a364185.html