An Lĩnh tăng tốc về đích nông thôn mới
Nhà văn hóa thôn Tư Thạnh, xã An Lĩnh được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ảnh: NGỌC HÂN
Những ngày này, về xã An Lĩnh, huyện Tuy An, chúng tôi cảm nhận rõ sự hối hả, khẩn trương, cũng như niềm vui của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây khi đang hoàn tất những phần việc cuối cùng để phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM).
Từ vùng đất còn nhiều gian khó ngày nào, An Lĩnh đang dần khoác trên mình diện mạo của vùng quê NTM khang trang, giàu đẹp hơn.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Trên con đường bê tông liên thôn thẳng tắp đưa chúng tôi đi tham quan các nhà văn hóa thôn, trao đổi về quá trình xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND xã An Lĩnh Nguyễn Thanh Kim cho biết: Để tạo sự đồng thuận cao, ngay khi bắt tay thực hiện xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của chương trình, tất cả đều hướng đến người dân, để người dân có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, người dân phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, tích cực chung tay tham gia xây dựng NTM với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng nhau góp công sức, tiền của làm các công trình công cộng, trồng cây xanh dọc các tuyến đường, thường xuyên vệ sinh môi trường, triển khai nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả...
Đang tất bật sơn mới lại cửa cổng nhà văn hóa, ông La Thái Dũng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thái Long phấn khởi nói: “Khi bàn về chủ trương xây nhà văn hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, các hộ dân nhất trí rất cao. Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, góp tiền, góp sức để cùng làm. Đến nay, gần 90% tuyến đường liên thôn đã được cứng hóa, giúp cho việc đi lại, buôn bán, học tập thuận tiện; nhà văn hóa được xây mới rộng rãi, khang trang, đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt chung của người dân trong thôn”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tư Thạnh, trước đây, do nhà văn hóa cũ của thôn rất nhỏ, mỗi lần họp thôn, người dân thường phải xếp ghế ra cả ngoài cửa để ngồi, do đó, việc nắm bắt nội dung buổi họp của người dân có lúc chưa được đầy đủ. “Xây dựng nhà văn hóa mới là mong muốn của tất cả người dân trong thôn nên khi đưa chủ trương này ra trước dân, đa số các hộ đều đồng tình hưởng ứng. Một số hộ khi được đề nghị hiến đất, lúc đầu còn đắn đo nhưng sau khi được cán bộ thôn kiên trì tuyên truyền, giải thích những thuận lợi khi công trình hoàn thành, đều đã đồng ý hy sinh lợi ích riêng để đóng góp một phần diện tích đất cho thôn”, ông Phước cho hay.
Ông Đặng Ngọc Vàng ở thôn Tư Thạnh chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 1.000m2 đất trồng mía, nếu giữ lại diện tích đất trên, mỗi năm, gia đình cũng có thêm một khoản thu nhập kha khá, nhưng điều quan trọng hơn mà tôi nhận thấy là việc hiến đất cho thôn cũng là cách để đóng góp xây dựng quê hương. Nghĩ vậy nên gia đình tôi đã tự nguyện hiến toàn bộ phần đất trên để xây dựng nhà văn hóa thôn”. Còn bà Phạm Thị Thoa ở thôn Vĩnh Xuân cho biết: “Trước đây, đường vào thôn rất khó đi bởi ổ voi, ổ gà. Ngày nắng bụi mù, ngày mưa thì lầy lội, cản trở việc đi lại của người dân địa phương. Khi có chủ trương làm đường bê tông, bà con rất phấn khởi và tích cực đóng góp, tham gia làm đường, bởi ai cũng nghĩ có con đường mới vừa đẹp làng, đẹp xóm mà nhà mình cũng thêm sạch sẽ, khang trang”.
Nỗ lực kiện toàn các tiêu chí
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết: An Lĩnh là một trong ba xã (An Lĩnh, An Hòa Hải, An Ninh Đông) của huyện Tuy An đang nỗ lực về đích NTM trong năm 2022. Qua khảo sát, kiểm tra thực tế, đến nay xã An Lĩnh cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Hiện địa phương này đang tiếp tục củng cố, kiện toàn các tiêu chí để đoàn thẩm định lần cuối, đủ điều kiện trình UBND tỉnh xem xét công nhận xã đạt chuẩn xã NTM trong thời gian sớm nhất.
Theo Chủ tịch UBND xã An Lĩnh Nguyễn Ngọc Vương, để về đích NTM theo đúng lộ trình, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện cho các tiêu chí đã thực hiện nhưng chưa đạt 100% như giao thông, trường học, cơ sở vật chất nhà văn hóa. Đồng thời đầu tư xây dựng hồ chứa nước To ó ở thôn Phong Thái để tích nước phục vụ sản xuất, chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân và gia súc trên địa bàn xã trong mùa khô hạn, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Việc hoàn thành đạt chuẩn 19/19 tiêu chí NTM đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM còn khó hơn. Vì vậy, xã quyết tâm duy trì, tập trung chỉ đạo quyết liệt, có kế hoạch cụ thể thực hiện nâng cao các tiêu chí trong năm 2022 và những năm tiếp theo; trong đó, tập trung vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng các danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào địa bàn xã”, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh Nguyễn Ngọc Vương khẳng định.
Theo Ban chỉ đạo NTM xã An Lĩnh, đến nay, 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; 6/6 thôn đã có nhà văn hóa thôn; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo chiếm tỉ lệ 2,61%; tổng nguồn kinh phí huy động xây dựng NTM từ năm 2011-2021 hơn 126 tỉ đồng.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/274683/an-linh-tang-toc-ve-dich-nong-thon-moi.html