Ăn miếng trả miếng, dùng 'vũ khí kinh tế', EU-Trung Quốc cố san bằng sân chơi, sắp khai hỏa thương chiến?
Ngay cả ở thời điểm những đe dọa tăng mạnh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của nhau chưa trở thành sự thực, thì mọi thứ có thể sớm trở nên bi quan hơn khi cuộc điều tra của EU về xe điện Trung Quốc sắp kết thúc.
Xe điện bị gọi tên
Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra việc nhập khẩu những hàng hóa này từ Trung Quốc để tìm hiểu xem liệu chúng có được bán dưới giá thành hay đang được Bắc Kinh trợ cấp một cách không công bằng hay không.
Đổi lại, Trung Quốc nghi ngờ châu Âu bán phá giá rượu cognac cao cấp trên thị trường nền kinh tế số 2 thế giới, đồng thời đưa ra những gợi ý mạnh mẽ rằng xe hơi sang trọng và thịt lợn của châu Âu có thể sớm phải đối mặt với những hạn chế thương mại.
Động lực ăn miếng trả miếng cho thấy rằng, EU - năm ngoái đã thâm hụt thương mại gần 300 tỷ Euro hàng hóa và hiện muốn thu hẹp khoảng cách đó - có thể sớm rơi vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Nhưng hai bên đã thực sự đang trong thương chiến hay chưa? Tại sao mọi người lại nói về xe điện Trung Quốc?
Những người làm trong lĩnh vực thương mại ở EU và các ông chủ ngành công nghiệp ô tô tại Stuttgart, Munich và Wolfsburg đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc điều tra của Liên minh về việc liệu Trung Quốc có trợ cấp không công bằng cho ngành công nghiệp xe điện của mình hay không.
Mùa Thu năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã phát động cuộc điều tra và theo tiến trình, mọi nhiệm vụ tạm thời sẽ phải được thông báo cho những người tham gia thị trường trước đầu tháng 6 tới. Có nghĩa là thương mại có thể bùng nổ như một vấn đề quan trọng trong khoảnh khắc đếm ngược tới cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, được tổ chức vào ngày 6-9/6.
Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington (Mỹ) ước tính, nhập khẩu xe điện Trung Quốc của châu Âu đã tăng mạnh trong những năm gần đây - tăng hơn gấp đôi từ năm 2021 đến năm 2023 lên hơn 430.000 xe mỗi năm, trị giá 10 tỷ Eeuro.
Trong khi đó, xuất khẩu xe điện của châu lục này sang thị trường nền kinh tế số 2 thế giới không đáng kể. EU lo ngại thị trường khối này sẽ bị tràn ngập xe điện Trung Quốc, thậm chí có khả năng xóa sổ ngành công nghiệp nội địa của liên minh.
Mặc dù EU chắc chắn sẽ tìm thấy bằng chứng về viện trợ nhà nước không công bằng, nhưng vẫn chưa rõ mức thuế nhập khẩu sẽ áp dụng đối với xe điện Trung Quốc do các công ty như BYD sản xuất.
Các nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu độc lập Rhodium Group ước tính, EU hiện áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả ô tô nhập khẩu - con số này sẽ cần phải tăng lên 50% để san bằng sân chơi.
Những chiếc xe đó thực sự là của Trung Quốc?
EC chưa công bố kết quả cuộc điều tra, vì xe điện là mặt hàng phức tạp và các cuộc điều tra này thường liên quan đến các sản phẩm thượng nguồn trong chuỗi cung ứng.
Đây cũng là lần đầu tiên sau một thời gian dài, cơ quan thương mại của khối bắt đầu một cuộc điều tra theo sáng kiến của riêng mình chứ không phải - như thường lệ - dựa trên khiếu nại từ ngành.
Bằng cách xem xét kỹ lưỡng các khoản trợ cấp cho hoạt động sản xuất pin, thiết kế ô tô hoặc nguồn cung cấp thép, Liên minh này nhắm tới một lĩnh vực mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang có đà phát triển nhưng thường có đầu vào công nghệ từ các liên doanh với đối tác EU. Mercedes, Volkswagen và BMW của Đức đều có nhà máy ở quốc gia Đông Bắc Á và phụ thuộc vào thị trường ô tô lớn nhất thế giới về phần lớn doanh thu.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi không phải tất cả các ông chủ ngành ô tô châu Âu đều chia sẻ sự nhiệt tình của EC đối với cuộc điều tra xe điện Trung Quốc.
Châu Âu lập luận rằng, hàng tỷ USD được Bắc Kinh chi đã gây ra tình trạng dư thừa. EU, dẫn lời các nhà kinh tế quốc tế, nhấn mạnh rằng, Trung Quốc nên thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước hơn là “đổ” sản lượng ế này ra thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, Washington đã đi xa hơn với việc Tổng thống Joe Biden tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc, lên 100%. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các nhà sản xuất từ nền kinh tế số 1 châu Á hầu như chưa tạo được chỗ đứng ở Mỹ, trong khi họ đang nhanh chóng thâm nhập thị trường khối 27 quốc gia thành viên.
Nhưng đó không phải là tất cả.
Chắc chắn EU đã triển khai nhiều cuộc điều tra trong năm nay. Tính cả các cuộc điều tra mới nhất về ống thép, phụ gia lysine trong thức ăn chăn nuôi và thành phần hương vị vani, con số không dưới 13. Tuy nhiên, không có vụ nào gây chú ý như với xe điện. Dù vậy, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không để ý tới động thái của EU.
Ngoài ra, châu Âu hiện đang sử dụng kho “vũ khí kinh tế”, kết hợp các công cụ thương mại và cạnh tranh để giải quyết các cuộc đấu thầu của Trung Quốc trong các dự án điện gió châu Âu và bán máy quét an ninh tại sân bay, cũng như việc Bắc Kinh mua sắm thiết bị y tế.
Bắc Kinh sẽ phản công thế nào?
Trung Quốc coi Pháp là nước “xúi giục” EU điều tra xe điện và đã đáp trả bằng cuộc điều tra bán phá giá đối với “rượu mạnh chưng cất từ EU” - hay còn gọi là rượu cognac của Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Paris trong tháng này, đã tuyên bố giành chiến thắng sau cuộc đàm phán giữa hai bên, nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn áp đặt thuế quan. Nhưng các nhà sản xuất rượu cognac không tin điều đó.
Giờ đây, Bắc Kinh đang để mắt tới xe hơi hạng sang của Đức. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước, ông Liu Bin, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và chiến lược ô tô Trung Quốc, đề xuất nâng thuế nhập khẩu với xe xăng cỡ lớn lên 25%. Mức hiện tại là 15%. Động thái này được đánh giá có khả năng gây tổn hại cho những hãng xe thể thao và nhà sản xuất SUV Porsche.
Theo ông Matthias Schmidt, một nhà phân tích ngành ô tô châu Âu, trong khi các thương hiệu ô tô Đức trên thị trường Trung Quốc, các mẫu xe cao cấp của họ có thể bị ảnh hưởng. Vị này nói: “Các mẫu xe bị ảnh hưởng đều là những mẫu xe cao cấp, chúng có thể đắt đỏ hơn, khiến tỷ suất lợi nhuận thấp hơn”.
Tương tự, giới phân tích kỳ vọng các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể chấp nhận bất cứ kết luận nào từ EU trong cuộc điều tra trợ cấp đang được tiến hành.
Ông Jürgen Matthes thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức đồng ý: “Không có thiệt hại kinh tế lớn nào được dự kiến”. Tỷ trọng xuất khẩu ô tô trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang giảm dần và hiện chỉ chiếm khoảng 0,3%. Ngoài ra, mức thuế đe dọa của Bắc Kinh đối với ô tô hạng sang có thể sẽ làm giảm xuất khẩu nhưng “chỉ ở một mức độ hạn chế”.
Trên hết, nhà sản xuất pin CATL và gã khổng lồ xe điện BYD đã đầu tư vào các nhà máy ở Hungary để có thể tránh được các nghĩa vụ do EU quy định trong vài năm tới. Các doanh nghiệp này được cho là đang theo đuổi chiến lược tương tự ở Mexico để né tránh thuế quan của Mỹ.
Tình thế hiện tại khiến người ta liên tưởng tới một cuộc chiến thương mại khác. Hơn một thập niên trước, EU đã áp thuế không dưới 48% đối với tấm pin Mặt trời của Trung Quốc vì cho rằng sản phẩm này làm xói mòn hoạt động sản xuất của chính liên minh.
Tuy nhiên, ngay khi giới lãnh đạo Trung Quốc đe dọa nhắm mục tiêu vào nhập khẩu rượu vang và ô tô của EU, khối đã phải “xuống thang”.
Luật sư thương mại Laurent Ruessmann, người đại diện cho các nhà sản xuất năng lượng Mặt trời châu Âu, cho biết: “Bắc Kinh rất giỏi trong việc huy động người khác vận động hành lang cho họ. Hơn 1 thập kỷ trước là ngành công nghiệp ô tô của Đức, và bây giờ rượu cognac cũng vậy. Trung Quốc chỉ muốn tới Pháp và nói ‘Chúng ta phải thắt dây an toàn!’”.
Vậy đây có thực sự là một cuộc chiến thương mại?
Câu trả lời phụ thuộc vào người bạn hỏi là ai. Trong một thời gian, EU đã nghĩ ra những từ thông dụng để mô tả việc giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia đơn lẻ, và “giảm rủi ro” là từ mới nhất được sử dụng.
Tất nhiên, giới chức EU nhấn mạnh rằng, họ làm mọi thứ theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và khối này chỉ đơn giản là duy trì một hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc và luật lệ. Vì chiến tranh thương mại vốn mang tính chính trị nên EU sẽ luôn phủ nhận mọi hành vi liên quan.
Phản ứng của Bắc Kinh cũng liên quan vấn đề thời điểm địa chính trị. Theo một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu, việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới có thể làm đảo lộn liên minh xuyên Đại Tây Dương. Bắc Kinh có thể có động cơ để tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện với châu Âu vào thời điểm này.
Nhà ngoại giao giấu tên trên kết luận: “Trung Quốc đang tham gia trò chơi lâu dài. Nếu đợi đủ lâu để ông Trump quay trở lại, các chính phủ châu Âu sẽ chịu nhiều áp lực từ giới kinh doanh để làm bạn với Bắc Kinh một lần nữa”.