Ấn-Mỹ ngày càng khăng khít giữa căng thẳng với Trung Quốc
Tuần qua giữa Ấn Độ và Mỹ đã xuất hiện thêm nhiều tín hiệu 'làm ấm' mối quan hệ hai bên trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), từ lâu Bắc Kinh luôn đề phòng trước sự ủng hộ của Washington giành cho New Delhi. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sự thay đổi trong mối quan hệ Ấn-Mỹ chỉ đạt được đến mức độ giới hạn.
Tuy nhiên, theo diễn biến một vài tuần trở lại đây, Mỹ và Ấn Độ đang nỗ lực khăng khít hơn dự đoán, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ đụng độ bạo lực giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại vùng Ladakh trên dãy Himalaya.
Dẫn các nguồn tin giấu tên, tờ Indian Express ngày 5/7 cho biết trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar 10 ngày trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ “sự ủng hộ của Washington tới New Delhi trong thời điểm khủng hoảng” . Ông Pompeo cũng cam kết Mỹ sẽ cung cấp cho Ấn Độ các thông tin tình báo về hoạt động của Trung Quốc dọc biên giới.
“Tôi không nói là Trung Quốc lo lắng trước sự ủng hộ của Mỹ giành cho Ấn Độ. Tất nhiên Trung Quốc không muốn Ấn Độ tiến gần hơn tới Mỹ. Washington có thể thích đổ thêm dầu vào lửa và ngồi xem, nhưng tôi không nghĩ Ấn Độ sẽ chịu thua trước ảnh hưởng của Mỹ”, Wang Dehua – chuyên gia về Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải – chia sẻ.
Tuy nhiên, ít nhất về mặt hành động, hai nước đã trao cho nhau những cử chỉ thân thiện trong thời gian gần đây. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một tin nhắn chúc mừng trên Twitter nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh Mỹ ngày 4/7. Đáp lại dòng tweet của nhà lãnh đạo Ấn Độ, Tổng thống Trump đã trả lời “Cảm ơn người bạn của tôi. Nước Mỹ yêu Ấn Độ!”.
Ngày 3/7, Thủ tướng Modi đã có một chuyến thăm bất ngờ tới thung lũng Galwan – nơi 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với binh sĩ Trung Quốc hồi giữa tháng 6.
Song song với những động thái tăng cường hiện diện quân sự dọc khu vực biên giới, Ấn Độ triển khai loạt hình phạt trả đũa về kinh tế nhằm vào Trung Quốc, trong đó có lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại và hạn chế đầu tư từ các công ty Trung Quốc.
Mặc dù vậy, New Delhi vẫn đang chuẩn bị cho các vòng đàm phán ngoại giao với Bắc Kinh. Theo một bài viết trên báo The Hindu, Chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị một cuộc gặp giữa “cac đặc phái viên của hai nước để thảo luận về những bất đồng liên quan đến biên giới”. Lần cuối diễn ra cuộc họp mang tính chất như trên được tổ chức vào tháng 12/2019 giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval.
Theo ông Madhav Nalapat – Giáo sư địa chính trị tại Viện Đại học Manipal (Ấn Độ), Mỹ dần trở thành một đối tác đáng tin cậy hơn đối với nước này khi nói về xung đột biên giới.
“Nga tìm cách thuyết phục Ấn Độ cần kiên nhẫn và sau đó Bắc Kinh sẽ thay đổi quan điểm. Trong khi đó, Mỹ cảnh báo ngay từ đầu rằng chuyện đó sẽ không xảy ra”. Cuối tháng 5, Tổng thống Trump đề nghị đứng ra hòa giải để giảm căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
“Tại Ấn Độ, cuộc đua giành ảnh hưởng là sự cạnh tranh giữa tình bạn lâu năm với Moskva và tình bạn mới với Washington. Các sự kiện diễn ra tại biên giới kể từ tháng 5 đã thay đổi sự cân bằng này”, Giáo sư Nalapat kết luận.