Ăn nhầm lá hoa thủy tiên, 2 trẻ nhỏ nhập viện vì ngộ độc

Sự cố đáng tiếc là lời cảnh báo cho các gia đình trong việc nhận biết và phân biệt các loại thực vật xung quanh, đặc biệt với những loại cây có khả năng gây độc.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, tiếp nhận và cấp cứu kịp thời trường hợp 2 bệnh nhi (2 tuổi) bị ngộ độc sau khi ăn nhầm lá hoa thủy tiên.

 Ekip bác sĩ thăm khám và điều trị cho 2 bệnh nhi (Ảnh: BVCC)

Ekip bác sĩ thăm khám và điều trị cho 2 bệnh nhi (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, gia đình 2 trẻ đã nhầm lẫn lá hoa thủy tiên với lá hẹ, nên đã sử dụng để nấu cháo chữa ho cho các bé. Sau khi ăn, cả 2 trẻ xuất hiện triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng, nôn liên tục. Ngay sau đó gia đình đã nhận ra sự nhầm lẫn và lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Tại đây, 2 bệnh nhi đã được nhập viện theo dõi các chức năng sinh tồn đồng thời được tiến hành các biện pháp thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng việc rửa dạ dày kết hợp sử dụng than hoạt tính để hấp thụ độc tố và nhuận tràng. Các bác sĩ cũng bồi phụ nước, điện giải và thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận, tim nhằm kịp thời phát hiện các biến chứng.

Nhờ sự can thiệp tích cực của đội ngũ y bác sĩ, sau hơn một ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của 2 trẻ đã ổn định và được xuất viện an toàn.

 Hình ảnh cây hoa thủy tiên gia đình cung cấp (bên trái) và cây hẹ có lá giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn (Ảnh: BVCC)

Hình ảnh cây hoa thủy tiên gia đình cung cấp (bên trái) và cây hẹ có lá giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn (Ảnh: BVCC)

Theo Bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương, cây hoa thủy tiên có nguồn gốc từ Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, gần đây cây được du nhập vào Việt Nam. Trong đó, cây hoa thủy tiên thuộc chi Narcissus gồm khoảng 40 loài thực vật thân củ và thuộc họ Amaryllidaceae. Hầu hết hoa thủy tiên là cây lâu năm, lá mọc từ củ vào mùa xuân, lá dẹt, cây có chiều cao 20cm -1.6m tùy theo loài.

Ngoài ra, hoa có hình loa kèn màu vàng, trắng, hồng có sáu cánh trung tâm là nhụy hoa. Hoa thủy tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn. Tất cả các bộ phận của cây hoa thủy tiên đều có độc, mạnh nhất với phần thân củ.

Đặc biệt, trong thành phần của cây chứa chất Lycorine là một Alkaloid, gây ức chế Enzym cholinesterase, gây ra các triệu chứng Cholinergic như nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm. Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê.

Đồng thời, củ của hoa thủy tiên chứa thành phần Oxalat nếu nuốt phải có thể gây bỏng và kích ứng niêm mạc môi lưỡi, họng. Ngoài hoa thủy tiên, một số loại cây khác như cây kim tiền, khoai nước cảnh cũng có thể gây bỏng, kích ứng miệng, họng khi trẻ ăn nhầm.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần tìm hiểu kỹ thông tin về các loại cây trong nhà để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tránh trồng hoặc trưng bày các loại cây có độc ở những nơi có trẻ nhỏ, phải để xa tầm tay của trẻ.

Trong trường hợp trẻ không may ăn phải hoa thủy tiên hoặc các loại cây có độc, cha mẹ không tự ý móc họng gây nôn cho trẻ, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/an-nham-la-hoa-thuy-tien-2-tre-nho-nhap-vien-vi-ngo-doc-post399329.html