An nhiên một cõi
Từ tự ngã đến vô ngã là một quá trình bền bỉ của sự vượt thoát, cật vấn, kiếm tìm... để đạt đến tầm vô thức, phi thời gian. Càng trải nghiệm, con người ta càng bình tâm để nhận ra cái đẹp phía lòng mình - Cái đẹp của sự an nhiên, tĩnh tại. 'Dạm ngõ thu vàng' (tuyển tập thơ của Trương Nam Chi - Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh do NXB HNV ấn bản quý I năm 2022) được kiến tạo từ tâm thức ấy.
Ta có thể bắt gặp điều này trong nửa đầu của thi tuyển, phía chút "nắng nhặt" vấn vít phía sợi "mưa mau": Nỗi người nắng nhặt mưa mau/ Thời gian lặng lẽ chảy sau vô thường (Nắng nhặt mưa mau)
Điều nữ thi sĩ Ngộ ra từ sự "lặng lẽ" ở phía sau "vô thường" này hẳn là một chân lý. Tại sao lại như vậy?! Hãy đọc kỹ: nếu xem nắng, mưa là cái hữu tướng, hữu hình thì “thời gian” và "vô thường" chính là cái vô tướng, vô hình. Các sự vật tưởng như đối lập nhưng thực ra là tương hỗ, bổ trợ cho nhau để làm nổi bật lên điều phi ngã lẩn khuất trong dòng thời gian "lặng lẽ".
Hay: Thật là đúng, giả là điêu/ Trời cao đặt để quá nhiều ẩm ương/ Giận là ghét, yêu là thương/ Một đời máu chỉ tìm đường về tim (Quên)
Những "thật giả, ghét yêu, giận thương" ở đây được đặt trong cái vô vi của vũ trụ để giúp ta nhận ra cái hữu vi ở lòng người. Đó chính là sự thức tỉnh và quay về chân ngã, về với chính mình, yêu được chính mình. Và vui.
Nếu như ở nửa đầu của tập thơ, nhà thơ chú trọng đến cái thẳm sâu tự lòng mình thì ở nửa sau tác giả lại mở lòng ra với cuộc đời bằng tình yêu thương đượm nồng sâu sắc. Ta có thể bắt gặp rất nhiều những câu thơ đẫm nước mắt trong đại dịch COVID-19. Nữ sĩ như một người thầy thuốc ân cần, nhẹ nhàng nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh trong tâm dịch. Ở bài thơ này là sự hóa thân vào một đứa trẻ mới sinh ra khi mẹ đang trong cơn nguy kịch: Mẹ ơi!/ Hãy dũng cảm vượt qua/ Chỉ cần một sát na/ Là đời con có mẹ” (Hãy vì con). Ở bài thơ khác, ta lại thấy tác giả ở trong tiếng nức nở của người cha mất con: Cha quỳ mọp xuống đường/ Sức cạn kiệt không biết đâu trời đất/ Con mất rồi cha sống sao đây/ Thanh xuân con bỏ lại. Tràn đầy (Tiễn con). Phải có một tấm lòng nhân ái bao la thì nữ thi sĩ mới có nhiều sự hóa thân kỳ diệu đến vậy. Đọc mỗi câu, mỗi chữ, mỗi bài ta không thể ngăn được dòng nước mắt xót đau của mình đẫm tràn mỗi trang giấy như tình người được trao đi.
Khó khăn, khổ đau là vậy nhưng cuối cùng thi nhân vẫn luôn biết hướng sáng, luôn vững tin về một tương lai đẹp tươi phía trước với những bài thơ mở ra niềm tin và hi vọng: Căng thẳng/ Và mệt mỏi/ Sài Gòn dấu yêu ơi/ Những thiên thần áo trắng/ Nối vòng tay cứu đời” (Bình yên sẽ về). Đúng vậy, bình yên rồi sẽ về. Những nụ hoa rồi lại nở. Mây vẫn bay trên đỉnh trời bát ngát như những vần thơ đẹp tươi nồng ấm của tấm lòng Trương Nam Chi vẫn lặng lẽ dâng hương cho đời.
Và trên tâm thức ấy, nhà thơ Sài Thành viết tiếp: Thế rồi cũng đến mùa đông/ Sài Gòn tuy thế trời không lạnh nhiều/ Hiu hiu nhớ cánh đồng diều/ Se se vừa đủ ta chiều chuộng ta. (Ta chiều chuộng ta). Diễn viên nổi tiếng người Anh - Robert Morley từng nói "To fall in love with yourself is the first secret to happiness" (Yêu bản thân mình là bí quyết đầu tiên để hạnh phúc). Vậy nên, có thể nói, cái sự "ta" biết "chiều chuộng ta" bằng cái lạnh "se se vừa đủ" khi buông lỏng được nội tâm giữa trời đất giao hòa cũng là một sự Ngộ vậy. Điều tưởng dễ mà cực khó. Không phải ai cũng hiểu và làm được.
Thêm nữa, hãy đọc trọn vẹn bài thơ này để thấy rõ sự minh xác ấy: Mất còn hay những được thua/ Rốn thiêng vũ trụ bốn mùa vây quanh/ Chúng sinh gieo giấc mộng lành/ Nụ hoa giác ngộ hóa thành tòa sen" (Chữa lành).
Trong hỗn mang của kiếp nhân sinh và những éo le muôn nỗi đời thường, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh triền miên trên thế giới hiện nay, sự "chữa lành" trên là vô cùng cần thiết. Bởi đó là căn nguyên của hạnh phúc lâu bền.
Suy cho cùng, kiếp người sinh ra là đi để trải nghiệm và trở về với chính mình. Mà trở về được hay không thì bắt đầu từ sự tỉnh thức "awareness". Dù sao đi nữa, cuối cùng con người cũng nên trở về, trở về với cái hiện tiền (present) trở với căn tính (identity), trở về để tự chữa lành chính mình (self-healing) trong an nhiên một cõi.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202203/an-nhien-mot-coi-3105423/