An ninh, an toàn nguồn nước - những vấn đề đặt ra (Kỳ II)

An ninh - an toàn nguồn nước không chỉ là nhiệm vụ của ngành Tài nguyên môi trường, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và áp lực phát triển đô thị, Đà Lạt cần một chiến lược đồng bộ, bài bản và sự chung tay của cả cộng đồng để đảm bảo nguồn nước sạch hôm nay và giữ gìn tài nguyên quý giá cho thế hệ mai sau.

Kỳ II: Cần có tầm nhìn chiến lược về an ninh nguồn nước đô thị

Đoàn ĐBQH quan tâm giám sát lĩnh vực an toàn an ninh nguồn nước tại hồ Đan Kia - nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương

Đoàn ĐBQH quan tâm giám sát lĩnh vực an toàn an ninh nguồn nước tại hồ Đan Kia - nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương

Liên quan đến giải pháp khắc phục tồn tại, các thành viên đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và chính quyền TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương cho rằng, cần thiết nên vinh danh, nhân rộng các mô hình dân cư, tổ chức tôn giáo, đơn vị gương mẫu trong bảo vệ nguồn nước. Cần có chính sách tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện (bao gồm nguồn vốn, nhân lực). Hỗ trợ tập huấn, giới thiệu, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm trong hoạt động chế biến cà phê, sản xuất rau, hoa sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Rà soát, đánh giá hiện trạng về nhân lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, so sánh với yêu cầu nhiệm vụ để điều chỉnh, bổ sung, tăng cường đào tạo, đầu tư để nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước làm công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường (BVMT) các cấp, ưu tiên xây dựng quy định về khung tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, cấp xã, quy định rõ số biên chế tối thiểu tại từng bộ phận, từng cấp đảm bảo đủ thực hiện công tác quản lý trên địa bàn.

Hỗ trợ địa phương kinh phí để phục vụ công tác BVMT, đặc biệt là kinh phí để duy trì công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cũng như công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân sử dụng thuốc BVTV đúng quy định; hướng dẫn người sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa. Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện hàng quý thuê đơn vị có chức năng thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định về chất thải nguy hại tại các khu vực đã lắp đặt thùng chứa trên địa bàn huyện. Chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp xử phạt đối với những người cố tình có hành vi vứt bừa bãi vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng không đúng nơi quy định; tăng cường công tác kiểm tra kết hợp với sử dụng thông tin phản ánh hiện trường IOC để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng, lấn chiếm đất, khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ cũng như diện tích của mặt hồ Đan Kia, các trường hợp xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nguồn nước hồ Đan Kia.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần ban hành quy định chi tiết về xử lý, hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ban hành quy định về trách nhiệm của những cơ sở sản xuất, các đại lý kinh doanh thuốc BVTV phải có trách nhiệm trong nhiệm vụ thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, trách nhiệm có thể quy tính từ khối lượng bán hàng để truy thu số tiền phải nộp để phục vụ cho công tác xử lý đối với loại chất thải này nhằm giảm tải cho ngân sách của địa phương, đảm bảo công bằng xã hội.

Đối với UBND tỉnh Lâm Đồng, cần xem xét bố trí kinh phí để địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình lưu trữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn huyện. Chỉ đạo UBND TP Đà Lạt tăng cường tuyên truyền, yêu cầu người dân sản xuất nông nghiệp thuộc Phường 7, Phường 8 tại các nhánh suối đổ về hồ Đan Kia - Suối Vàng thực hiện tốt việc thu gom chất thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, vỉ xốp, phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, không thải bỏ ra bờ ruộng, dòng suối để tránh trôi về hồ Đan Kia - Suối Vàng gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

Đối với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chỉ đạo Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng thường xuyên thực hiện việc thu gom lượng rác phát sinh trên mặt hồ nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, công chức phụ trách của địa phương và người dân trên địa bàn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, đúng cách.

Xem xét lồng ghép các chương trình dự án về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong việc tuyên truyền, tập huấn và xây dựng bể chứa hoặc khu vực lưu chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, công chức phụ trách của địa phương và người dân trên địa bàn về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt an toàn, sạch cho người dân Đà Lạt, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và đặc biệt là ý thức cộng đồng. Việc xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước không chỉ là giải pháp tình thế, mà cần là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và có tầm nhìn bền vững.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ vùng đầu nguồn. Chính quyền TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh quy hoạch vùng bảo vệ nghiêm ngặt đối với các hồ chứa nước đầu nguồn, đặc biệt là hồ Đan Kia - Suối Vàng. Việc tăng cường trồng rừng, phục hồi rừng đầu nguồn là giải pháp quan trọng để giữ nước, điều hòa dòng chảy và giảm thiểu ô nhiễm tự nhiên. Cần có cơ chế giám sát, xử phạt nghiêm đối với các hành vi xâm hại, xây dựng trái phép trong vùng bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, khuyến khích mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, không sử dụng hóa chất độc hại gần khu vực hồ chứa và sông, suối.

Đồng chí Lâm Văn Đoan - Trưởng đoàn giám sát, đã ghi nhận đánh giá cao kết quả mà TP Đà Lạt đạt được, tuy nhiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện công tác quản lý môi trường tại TP Đà Lạt. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước và giữ gìn sự bền vững cho Đà Lạt, thành phố du lịch nổi tiếng và là di sản thiên nhiên quý giá của cả nước.

Đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nâng cao ý thức người dân chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường. Lưu ý bám sát kế hoạch, quy hoạch của tỉnh liên quan đến các dự án xử lý rác thải; các nhà đầu tư phải cam kết về yếu tố môi trường; đề nghị thành phố cần hoàn chỉnh báo cáo và tổng hợp kiến nghị đầy đủ hơn về nhiều lĩnh vực khó khăn, tồn tại trong thực thi pháp luật về môi trường; mong muốn tương lai gần, Đà Lạt là thành phố du lịch xanh, sạch, đẹp ASEAN thì rất cần có quy mô một nhà máy xử lý chất thải hiện đại, có tầm cỡ hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về xử lý chất thải, hướng đến xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp bền vững.

Cuối cùng, yếu tố then chốt chính là nhận thức và hành động của người dân. Khi mỗi người biết tiết kiệm nước, không xả rác, không sử dụng hóa chất bừa bãi trong nông nghiệp; khi mỗi hộ dân sẵn sàng hợp tác với chính quyền trong bảo vệ môi trường nước - đó là lúc an ninh nguồn nước thật sự được đảm bảo vững chắc từ gốc rễ.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202504/an-ninh-an-toan-nguon-nuoc-nhung-van-de-dat-ra-ky-ii-1b1515d/