An ninh của Afghanistan vẫn là vấn đề của châu Á
Ngày 15/8 vừa qua đánh dấu tròn một năm ngày Taliban nắm quyền ở Afghanistan. Khi đó, phong trào này đã đưa ra cam kết về xây dựng một chính phủ toàn diện, bao trùm, đổi mới quản trị đất nước nhằm đảm bảo an ninh và kinh tế cho người dân.
Tuy nhiên, sau một năm, Taliban chưa thể làm được gì nhiều, đặc biệt là về an ninh và chống khủng bố.
Việc thủ lĩnh Al-Qaeda al-Zawahri bị tiêu diệt ở Kabul đã là một bước lùi. Báo cáo gần đây của Liên hợp quốc kết luận rằng al-Qaeda vẫn ẩn náu ở Afghanistan, bất chấp cam kết “không dung túng” của Taliban trong thỏa thuận Doha. Thêm vào đó, dù Taliban cho biết đang loại trừ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan lực lượng này vẫn chưa đả động đến các nhóm khủng bố khác như Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed.
Ngoài ra, nhiều nước và tổ chức quốc tế cũng có thái độ khác nhau về tình hình Afghanistan.
Từng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự tại Afghanistan, song với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Kabul đã là quá khứ. Khái niệm chiến lược mới nhất của khối chỉ đề cập Afghanistan một lần trong phần ngăn chặn khủng hoảng nói chung.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu chủ yếu quan tâm đến Afghanistan về nhân quyền, giáo dục, phụ nữ và quản trị toàn diện dưới chế độ Taliban. Chống khủng bố vẫn là vấn đề thu hút sự chú ý do vụ ám sát bằng máy bay không người lái tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda là Ayman al-Zawahri ở Kabul tuần trước cho thấy Mỹ đã hành động mà không hề liên lạc với Taliban.
Đối với láng giềng Afghanistan, tình hình có phần phức tạp hơn bởi các khác biệt về lợi ích.
Taliban coi Trung Quốc là đối tác kinh tế ưu tiên. Sự can dự của Bắc Kinh vào chế độ mới ở Kabul diễn ra mạnh mẽ và công khai trên cả lĩnh vực an ninh cũng như đầu tư. Đáp lại, cuối năm ngoái, Taliban đã buộc lực lượng Duy Ngô Nhĩ rời khỏi tỉnh biên giới Trung Quốc.
Với Ấn Đô và Pakistan, Afghanistan là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng. Ấn Độ, vốn có quan điểm chống Taliban nhưng nay đã triển khai một “đội kỹ thuật” đến đại sứ quán (đã đóng cửa) ở Kabul, để xem xét và khởi động lại hoạt động lãnh sự cơ bản và giao lưu nhân dân.
Tại Trung Á, Uzbekistan và Turkmenistan đã cho phép các nhà ngoại giao Taliban kiểm soát các đại sứ quán Afghanistan, dù các nước này chưa chính thức công nhận chế độ Taliban. Các cuộc giao tranh dọc biên giới Uzbekistan - Afghanistan vẫn diễn ra trong vài tháng qua.
Môi trường an ninh bất ổn này, thái độ khác nhau về tình hình Afghanistan là điều kiện để chủ nghĩa khủng bố phát triển và mở rộng. Sự hiện diện của thủ lĩnh Al-Qaeda al-Zawahri ngay giữa Kabul là minh chứng rõ ràng. Đã đến lúc thế giới cần cùng nhau tìm kiếm giải pháp, bởi không ai muốn nơi đây trở thành cái nôi của chủ nghĩa khủng bố thêm lần nữa.
Thực tế cho thấy, an ninh Afghanistan đã trở thành chủ đề xuyên suốt trong thảo luận song phương và đa phương ở châu Á thời gian gần đây. Nước này là thành viên của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC), là quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Theo ông Kabir Taneja, tác giả của cuốn sách Hiểm họa IS: Nhóm khủng bố đáng sợ nhất thế giới và bóng đen của nó ở Nam Á, Ấn Độ, Nga, các thành viên Trung Á của SCO và SAARC, nên xem xét mở rộng thảo luận với Iran, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cùng Saudi Arabia về mối quan ngại chung đến từ chủ nghĩa khủng bố, cực đoan tại Afghanistan.
Mới đây, sau trận động đất lớn hồi tháng Sáu, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Bangladesh và Nepal đã chung tay viện trợ để giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, dù hầu hết các nước này chưa công nhận Taliban.
Những nỗ lực này là đáng hoan nghênh, song người dân của đất nước Nam Á cần nhiều hơn thế để có thể bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế, để chủ nghĩa khủng bố chỉ còn là quá khứ.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-ninh-cua-afghanistan-van-la-van-de-cua-chau-a-194805.html