An ninh dầu mỏ đối mặt nguy cơ mới
Vụ máy bay không người lái tấn công cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia có thể làm tê liệt một phần sản lượng của nước này đẩy giá dầu lên cao.
Vụ máy bay không người lái tấn công cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia có thể làm tê liệt một phần sản lượng của quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này trong vài ngày hoặc vài tuần, đẩy giá dầu lên cao, và đặt an ninh dầu mỏ đối mặt nguy cơ mới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định ít khả năng vụ việc này dẫn tới một “cú sốc” thực sự trên các thị trường năng lượng cũng như đối với nền kinh tế thế giới.
Sau một số vụ máy bay không người lái làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều sân bay lớn trên thế giới, việc sử dụng thiết bị không người lái tấn công các tài sản mang tính chiến lược quốc gia như vụ việc tại Saudi Arabia đang đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh, trước hết trong lĩnh vực dầu mỏ.
Các vụ tấn công ngày 14/9 vào cơ sở lọc dầu Abqaiq và một nhà máy lọc dầu tại Khurais ở sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia càng khẳng định thêm những lo ngại của các chuyên gia an ninh về một hình thức khủng bố mới trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ cho phép các thiết bị bay không người lái hoạt động trên diện rộng hơn.
Các vụ tấn công trên cho thấy tính dễ bị tổn thương của Saudi Arabia khi căng thẳng trong khu vực vùng Vịnh Persic gia tăng.
Nếu các cơ sở lọc dầu trên không được sửa chữa nhanh chóng, sự gián đoạn nguồn cung có thể làm giảm 7,4 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của nước này trong 3 quý tới, tương đương 5% nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế.
Vụ việc cũng làm dấy lên lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung sẽ lớn hơn nếu tiếp tục xảy ra các vụ tấn công khác vào các mỏ dầu và đường ống dẫn dầu của quốc gia xuất khẩu lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cung cấp 10% sản lượng dầu thô thế giới này.
Trong phản ứng tức thời của thị trường, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, sau khi sản lượng khai thác của tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco Saudi Arabia giảm khoảng một nửa vì hai cơ sở lọc dầu trên phải ngừng hoạt động.
Trong khi đó, kế hoạch của Aramco phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) cũng có thể bị ảnh hưởng nếu các nhà đầu tư quốc tế hoài nghi khả năng Saudi Arabia bảo vệ các cơ sở hạ tầng năng lượng sống còn của mình.
Trước đó, kế hoạch IPO của Aramco trong năm 2018 đã buộc phải trì hoãn. Nếu kế hoạch IPO diễn ra, đây sẽ trở thành vụ IPO lớn nhất thế giới, với việc công ty này phát hành 5% cổ phần, tương đương giá trị 100 tỷ USD.
Nhận định về sự việc trên, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường RS Energy Group, ông Bill Farren-Price bày tỏ lo ngại về “một mối đe dọa mới”.
Ông nói: “Vụ tấn công cho thấy một trong những công ty dầu lửa tốt nhất khu vực gặp khó khăn trong việc bảo vệ chính mình khỏi một kiểu đe dọa mới”. Ông cũng cảnh báo nguy cơ này sẽ có thể kéo dài, đồng thời bày tỏ lo ngại khả năng Saudi Arabia duy trì lượng xuất khẩu dầu bình thường và đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước.
Chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Genscape, Clay Seigle thì cho rằng lượng dầu xuất khẩu sẽ bị tác động nghiêm trọng, thị trường sẽ “bị bỏ rơi” với một “tấm đệm mỏng hơn” khi xảy ra tình trạng đứt quãng nguồn cung mới, và hậu quả là các nhà buôn sẽ rao giá cao hơn.
Dù vụ cháy đã được kiểm soát nhanh chóng, nhưng cơ sở này khá lớn và có những thiết bị rất phức tạp cần được thử nghiệm lại sau khi sửa chữa.
Nếu vụ tấn công này xảy ra vào thời điểm cách đây một thập niên, sự việc có thể sẽ đẩy giá dầu tăng vọt, tuy nhiên, hiện kho dự trữ dầu toàn cầu đang nhiều hơn bình thường, trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nên nhu cầu năng lượng cũng giảm bớt.
OPEC tuần trước thậm chí bày tỏ lo ngại về dư thừa nguồn cung hơn là thiếu.
Trong một cuộc họp tại Abu Dhabi ngày 12/9 vừa qua, các quan chức dầu mỏ OPEC, Nga và các nước xuất khẩu dầu khác dường như muốn kêu gọi giảm sản lượng.
Mỹ - nước sản xuất dầu lớn vừa "soán ngôi" Saudi Arabia trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hiện đang tạo ra khoảng 12,2 triệu thùng dầu/ngày, tăng gấp đôi sản lượng so với năm 2012 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với cách đây chỉ hơn một năm.
Trong khi đó, một số nước sản xuất dầu mỏ khác cũng đang tăng sản lượng, trong đó Na Uy và Brazil hay Iraq...
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Mỹ và các nước phát triển đang có gần 3 tỷ thùng dầu dự trữ, đủ để đáp ứng nhu cầu trong hai tháng.
Lượng dầu dự trữ này nhiều hơn 50 triệu thùng so với cách đây một năm, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela.
Lượng dầu dự trữ tại các nước công nghiệp hóa đều ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 và cao hơn mức trung bình trong 5 năm qua gần 20 triệu thùng.
Trưởng nhóm tài chính của công ty khai thác và sản xuất dầu Louisiana, Manish Raj cũng nhận định hoạt động buôn bán dầu thô toàn cầu trước mắt sẽ không bị đứt quãng vì nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đang có lượng dự trữ dầu rất lớn.
Theo ông, bản thân Saudi Arabia cũng có đủ lượng dầu dự trữ để đáp ứng các nghĩa vụ xuất khẩu trong 60 ngày tới.
Vì vậy, chuyên gia trên khẳng định “sẽ không có sự mất cân bằng cung-cầu về dầu mỏ trong tương lai gần”.
Như một biện pháp khẩn cấp nhằm bình ổn các thị trường dầu mỏ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép mở kho dự trữ dầu chiến lược hiện đang có 713 triệu thùng của Mỹ.
Quyết định của ông Trump có một tác động tâm lý đáng kể. Giới chuyên gia dự báo các nước bị tác động của nguồn cung từ Saudi Arabia có thể sẽ tìm cách mua dầu của Mỹ nếu các cơ sở của Saudi Arabia bị đình trệ trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng cũng sẽ là yếu tố kích thích các công ty Mỹ tăng sản lượng dầu.
Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Trung Đông tại Viện nghiên cứu Baker, ông James Krane chia sẻ quan điểm rằng nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất để thay thế cho sự sụt giảm sản lượng của Saudi Arabia, trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ của Riyadh chủ yếu tới các khách hàng ở châu Á, và Iran có lợi thế gần gũi về mặt địa lý hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nào khác.
Vấn đề đáng lưu ý là ngay sau các cuộc tấn công, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng "chính Iran đã gây ra vụ việc này".
Đây không phải lần đầu tiên Iran bị đổ lỗi trong các vụ tấn công tại Vùng Vịnh, kể cả các vụ tấn công tàu chở dầu thời gian qua, dù Tehran luôn bác bỏ. Tuy nhiên, diễn biến mới này có nguy cơ hủy hoại những tín hiệu tích cực đang khiến dư luận hy vọng sẽ giúp "phá băng" trong quan hệ Iran-Mỹ.
Mấu chốt hiện giờ là liệu vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia có thể trở thành cái cớ khiến vòng xoáy căng thẳng giữa các bên tại Vùng Vịnh bùng phát trở lại hay không.
Điều này mới là yếu tố chủ chốt tác động tới giá dầu và là mối đe dọa thực sự đối với an ninh năng lượng toàn cầu./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/an-ninh-dau-mo-doi-mat-nguy-co-moi/133916.html