An ninh lương thực và thời cơ của ngành gạo: Kỳ 3 - Cần chiến lược dài hơi
Biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp diễn và an ninh lương thực toàn cầu sẽ vẫn bị tác động song ngành gạo Việt phải có một chiến lược dài hơi mới tận dụng được.
Cầu tăng nhưng doanh nghiệp chưa vui
Thời điểm này đối với các doanh nghiệp của ngành lúa gạo thì việc “cầu tăng - giá tăng” lẽ ra là một tín hiệu vui song không phải doanh nghiệp nào cũng phấn khởi bởi nỗi lo… lỗ vốn.
Thực tế báo cáo từ một số “ông lớn” ngành gạo trong quý I/2023 vừa qua cũng cho thấy nghịch lý “giá gạo cao song doanh nghiệp vẫn lỗ”. Cụ thể Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đã lỗ trên 7,1 tỷ đồng trong quý I năm nay hay Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời lỗ trên 81,2 tỷ đồng trong quí I của năm 2023. Với những doanh nghiệp nhỏ, mức thua lỗ ít hơn nhưng rất nhiều trong số họ từ đầu năm tới nay hầu như không xuất được nhiều bởi nếu xuất thì cứ 1 tấn gạo sẽ lỗ khoảng 50 USD.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, trong báo cáo giải trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lãnh đạo của Lộc Trời cho biết “doanh nghiệp lỗ do lãi vay ngân hàng tăng"…
Ngoài lý do nói trên, trong lĩnh vực xuất khẩu gạo có một thực tế kéo dài suốt nhiều năm nay đó là doanh nghiệp thường ký hợp đồng trước giao hàng sau, trong khi chân hàng của kho dự trữ không có đã tạo ra những rủi ro khá lớn cho doanh nghiệp, nhất là khi giá hàng hóa trong nước liên tục tăng cao.
“Ví dụ, doanh nghiệp ký hợp đồng bán cho khách hàng với giá 500 đô la Mỹ/tấn nhưng kho dự trữ chưa có hàng, trong khi đó, đến lúc trả đơn hàng, thì giá nội địa tăng đến mức tương đương 500-510 đô la Mỹ/tấn, khiến doanh nghiệp bị rủi ro thua lỗ”- ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice lý giải.
Riêng đối với những doanh nghiệp có một lượng hàng tồn kho nhất định rồi mới ký hợp đồng xuất khẩu thì sẽ thua lỗ ít hơn. Lý do thua lỗ của những đơn vị này là vẫn phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng để duy trì lượng hàng tồn kho đó.
Xét trong thời điểm hiện tại, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, doanh nghiệp sẽ phải mua lúa với giá cao nhưng hợp đồng đã ký giá lại ở một mức khác (tức là thấp hơn so với giá hiện tại), khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước bài toán lỗ và thận trọng hơn trong ký kết các hợp đồng mới.
Cần chiến lược dài hơi
Trong khi doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán xuất khẩu gạo sao cho “có lợi” thì câu chuyện giá gạo toàn cầu tăng hiện là chủ đề “nóng” không chỉ trên các mặt báo mà khắp các diễn đàn về lúa gạo khi thương nhân nội địa, thương lái đều cho rằng “nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu - tận dụng thời cơ này”. Và họ cũng dẫn chứng một thực tế mà ai cũng thấy được đó là - tình trạng mất cân đối cung cầu còn có thể sẽ tiếp tục diễn ra bởi biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn. Tuy vậy cũng có luồng ý kiến nói rằng, nếu ngành lúa gạo Việt Nam không có một chiến lược dài hơi và không có sự “tiếp sức” thêm từ chính sách thì sẽ khó tận dụng được cơ hội.
Chính vì vậy, để giải quyết khó bài toán nói trên, trong ngắn hạn, ông Đỗ Hà Nam đề xuất, vốn là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp, do đó các ngân hàng cần cố gắng hỗ trợ cho doanh nghiệp mua hàng vào và có thể xem xét kéo dài thời gian bán hàng để tránh rủi ro.
Trong dài hạn, theo GS.TS Võ Tòng Xuân nhìn nhận: Chúng ta dù đang quy hoạch sản xuất đúng hướng song lại thiếu một chính sách nhất quán để làm “trợ lực” cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân.
Cụ thể, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, đối với lúa phục vụ thị trường trong nước, chúng ta lấy diện tích dọc theo biên giới Campuchia với khoảng hơn 1,5 triệu ha (ở đây là vùng phía Bắc của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp) bởi vùng này không bao giờ bị nước mặn xâm nhập. Đối với lúa phục vụ cho xuất khẩu sẽ là những diện tích được canh tác ở những địa phương khác trên khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đang được canh tác 3 vụ/năm. Như vậy, chúng ta đang bố trí hợp lý để đón đầu được biến đổi khí hậu và chúng ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Đây là lợi thế mà Ấn Độ hay Thái Lan không có.
“Quy hoạch đã đúng hướng nhưng vẫn phải có những chính sách cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp”- GS.TS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm. Lý do được ông chỉ ra: Hiện nay mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ vì nhiều lý do và việc thu mua lúa thông qua thương lái.
“Doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính. Ngay cả Vinafood là công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có nguồn nguyên liệu. Muốn làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000 ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình”- GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Trên thực tế việc liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân đã được nhiều doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện trong thời gian. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời hiện nay đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ với nhiều địa phương như An Giang, Kiên Giang, Long An, Bạc Liêu… Trong đó, tại An Giang, vào năm 2020 doanh nghiệp này đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Đề án Xây dựng thương hiệu gạo An Giang, Chương trình phát triển Hợp tác xã kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, lúa nếp… với UBND tỉnh An Giang. Mục tiêu của đề án là phát triển mới 200 hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 gắn xây dựng vùng nguyên lúa gạo, lúa nếp, rau màu...
Theo thỏa thuận UBND tỉnh An Giang sẽ tạo mọi điều kiện về các thủ tục đầu tư để doanh nghiệp có thể triển khai các chương trình, dự án một cách nhanh nhất có thể; hỗ trợ về pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn và các hỗ trợ khác kịp thời…, còn Lộc Trời hợp tác chặt chẽ cùng bà con nông dân định hướng tiêu thụ trước mỗi mùa, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sản xuất từ đầu vụ để có đầu ra chủ động khi thu hoạch.
Ngoài Lộc Trời, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) cũng đã đầu tư, liên kết với nông dân ở các địa phương Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang để xây dựng vùng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 200.000 ha. Qua liên kết này, Trung An đầu tư toàn bộ vật tư đầu vào, hướng dẫn quy trình canh tác và bao tiêu 100% sản lượng cho nông dân.
Tuy nhiên những mô hình liên kết nói trên chưa thực sự nhiều khi toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 2 triệu ha đất trồng lúa nhưng diện tích liên kết chỉ khoảng vài trăm ngàn ha. Nguyên nhân, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An, làm cánh đồng lớn hiện còn hai vướng mắc căn bản. Đó là có nơi nông dân chưa đủ niềm tin nên cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng vài trăm ngàn ha làm cánh đồng lớn trong tổng số 2 triệu ha đất trồng lúa là con số quá nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm cánh đồng lớn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn.
"Tất cả trên thuận dưới hòa, thiếu mỗi tiền. Bây giờ ngân hàng cho doanh nghiệp vay kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng vẫn còn thấp. Còn làm theo mô hình cánh đồng lớn ngân hàng phải thay đổi tư duy cho vay. Cho vay ngay từ đầu tiên sản xuất mà khi trước đây bà con nông dân làm một mình thì nông dân tự lo vốn. Còn bây giờ doanh nghiệp làm liên kết sản xuất theo mô hình này thì doanh nghiệp phải lo vốn từ đầu chí cuối" - ông Bình chia sẻ.
Từ những vướng mắc trên, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, có 3 mấu chốt cần giải quyết để ngành gạo phát triển bền vững đón được cơ hội của thị trường. Thứ nhất, doanh nghiệp phải thương thảo những hợp đồng lớn - dài hạn - giá tốt. Khi có thị trường có đầu ra mới quay lại trong nước bàn bạc với địa phương để quy hoạch vùng nguyên liệu cho mình. Từ đó người nông dân cũng thấy sẽ không phải lệ thuộc vào thương lái nữa mà có chắc chắn người mua với giá tốt họ nên sẽ tin tưởng làm với doanh nghiệp.
Thứ hai, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp mới nâng lên. Đồng thời Nhà nước cũng cần tổ chức các mô hình hợp tác xã để bà con nông dân tham gia, hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa tốt theo đúng quy trình sạch.
Riêng với người dân, phải hợp hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để tạo thành những vùng sản xuất lớn, cung cấp ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp trực tiếp không bán qua thương lái.
Để khắc phục các khó khăn và hạn chế của ngành gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng toàn ngành nông nghiệp nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, giải pháp công nghệ, chính sách nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững. Đáng chú ý là Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ này đưa lấy ý kiến dự thảo vào tháng 6/2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thúc đẩy và huy động tham gia của nhiều đối tác, khu vực tư nhân, nhằm huy động, tích hợp được tất cả các nguồn lực về nhân lực, về kinh nghiệm, về tài chính, công nghệ và thông tin… để nâng tầm phát triển cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Đối với việc phát triển thị trường, ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 583/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Theo Quyết định này sẽ chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA. Từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường…