An ninh năng lượng bị đe dọa, Nhật Bản tính khôi phục loạt nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa thông báo nước này sẽ khôi phục hoạt động của một số nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc và xem xét tính khả thi của việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo...

Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 ở tỉnh Ibaraki, được xây dựng gần 44 năm trước đang có kế hoạch khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của người dân địa phương - Ảnh: Kyodo

Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 ở tỉnh Ibaraki, được xây dựng gần 44 năm trước đang có kế hoạch khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của người dân địa phương - Ảnh: Kyodo

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), sẽ tiếp tục thúc đẩy việc khởi động lại 7 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc từ mùa hè năm sau.

Như vậy, cùng với 10 nhà máy đã được phê duyệt, tổng cộng 17 nhà máy sẽ sẵn sàng hoạt động để hỗ trợ giải quyết nguy cơ thiếu hụt năng lượng do gián đoạn nguồn cung tại Nhật.

"TIN TỐT VÀ ĐÁNG KHÍCH LỆ"

Theo CNBC, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản - nơi phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu - đang củng cố các lựa chọn về nguồn cung giữa lúc thị trường năng lượng toàn cầu đang tồn tại nhiều bất ổn và chiến tranh Nga-Ukraine.

Ông Keisuke Sadamori, giám đốc văn phòng thị trường và an ninh năng lượng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tỏ ra lạc quan về sự thay đổi chiến lược của nước này.

“Đây là thông tin rất tốt và đáng khích lệ, cả về mặt an ninh nguồn cung năng lượng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, ông Sadamori nhận xét. “Nhật đã đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch để lấp đầy khoảng trống của năng lượng hạt nhân kể từ sau sự cố hạt nhân Fukushima”.

Theo ông, thị trường nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, đang bị thắt chặt, với trường hợp điển hình đang xảy ra ở châu Âu.

“Việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân của Nhật là rất đáng mừng khi có thể giải phóng được một lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đáng kể cho thị trường toàn cầu”, ông Sadamori – người từng làm việc tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Khi được hỏi về lộ trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới của Nhật Bản, ông cho biết việc này sẽ mất nhiều thời gian.

“Theo hiểu biết của tôi, thông báo của Thủ tướng Kishida tập trung nhiều hơn vào các loại nhà máy điện hạt nhân mới, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ (SMR)”, vị giám đốc tại IEA phát biểu. “Về cơ bản các loại nhà máy này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ. Nhưng điều quan trọng hơn là khởi động lại các nhà máy hiện có và kéo dài tuổi thọ của chúng”.

Kế hoạch khôi phục nhà máy điện hạt nhân của Nhật đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách năng lượng của quốc gia này kể từ sau thảm họa Fukushima xảy ra năm 2011, khi trận động đất kết hợp sóng thần mạnh đã gây ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Theo ông Sadamori, công chúng Nhật Bản vẫn tỏ ra quan ngại về vấn đề an toàn liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường năng lượng đối mặt nhiều thách thức và nguy cơ thiếu năng lượng trong nước đã khiến công chúng ít nhiều thay đổi ý kiến.

“Theo một số khảo sát gần đây của các tờ báo lớn Nhật Bản, chúng tôi thấy rằng đã có nhiều người ủng hộ việc khôi phục các nhà máy điện hạt nhân hơn”, ông cho biết.

Tầm quan trọng của sự ủng hộ của công chúng được nhấn mạnh trong bảng phác thảo Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 6 của Nhật Bản. Bản thảo này nêu rõ: “Việc sử dụng ổn định điện hạt nhân sẽ được thúc đẩy trên cơ sở chính là sự tin tưởng của công chúng đối với điện hạt nhân và việc đảm bảo an toàn”.

Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Kế hoạch Năng lượng Chiến lược đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 36-38% tổng sản lượng điện của Nhật vào năm 2030, trong đó điện hạt nhân chiếm khoảng 20-22%.

LIỆU CÓ THỂ HỒI SINH SAU 11 NĂM?

Sự thay đổi trong chính sách hạt nhân của Chính phủ là tin đáng mừng với ngành công nghiệp điện hạt nhân vốn đang chứng kiến chuỗi cung ứng teo tóp dần, trong khi nguồn nhân lực cũng như khả năng cạnh tranh trên toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu sự thay đổi này có thể hồi sinh cả một ngành công nghiệp sau hơn 11 năm đóng băng.

Các nhà sản xuất lò phản ứng lớn Mitsubishi Heavy Industries và Toshiba cho biết nền tảng kinh doanh của họ đã bị xói mòn kể từ sau sự cố hạt nhân Fukushima, đẩy ngành công nghiệp này rơi vào "mùa đông" kéo dài.

Theo các nhà phân tích, sau khi 3 trong số 6 lò phản ứng của Fukushima bị tan chảy do sự cố, khiến 160.000 cư dân phải di dời khỏi các khu vực xung quanh, Chính phủ đã quyết định tạm dừng việc xây dựng các nhà máy mới và tạm thời đóng cửa các nhà máy hiện có để kiểm tra an toàn. Do đó, để phục hồi ngành công nghiệp này cần nhiều thời gian.

Toàn bộ cư dân tại Okuma, một thị trấn ở tỉnh Fukushima, buộc phải sơ tán sau thảm họa hạt nhân năm 2011. Các khu vực của thị trấn vẫn bị đóng cửa do mức độ phóng xạ cao - Ảnh: Nikkei Asia

Toàn bộ cư dân tại Okuma, một thị trấn ở tỉnh Fukushima, buộc phải sơ tán sau thảm họa hạt nhân năm 2011. Các khu vực của thị trấn vẫn bị đóng cửa do mức độ phóng xạ cao - Ảnh: Nikkei Asia

Việc ngừng xây dựng nhà máy mới đã tác động lớn tới ngành hạt nhân Nhật Bản. Điện hạt nhân từng chiếm tới 30% tổng lượng điện tiêu thụ tại Nhật, nhưng kể từ năm 2011, nước này không xây dựng thêm nhà máy mới nào.

Theo đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong ngành này giảm đáng kể. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, tổng mức chi tiêu là 16,6 tỷ Yên (tương đương 121,6 triệu USD), chưa bằng một nửa so với 35,3 tỷ Yên vào năm 2010, theo báo cáo của Japan Atomic Industrial Forum Inc.

Từ năm 2011 đến nay, 20 công ty đã rút khỏi thị trường hạt nhân, trong đó chỉ riêng trong ba năm 2018-2020 có 15 công ty phá sản.

Một số nhà cung cấp của Toshiba Energy Systems & Solutions - công ty con phụ trách mảng kinh doanh năng lượng hạt nhân của Toshiba - hiện không thể sản xuất các bộ phận đặc biệt cho các lò phản ứng hạt nhân do thiếu nhu cầu.

Một vấn đề đau đầu khác là nhân lực khi nhiều người có kinh nghiệm thực địa trong việc xây dựng đã nghỉ hưu, còn những người mới lại chưa có cơ hội làm việc tại các dự án thực tế - theo người phát ngôn của Toshiba Energy.

Bên cạnh đó, vấn đề pháp lý cũng đang làm phức tạp thêm tình hình. Gần 50% các lò phản ứng hạt nhân hiện có ở Nhật đã hơn 30 năm tuổi. Theo quy định, các lò này chỉ được hoạt động 40 năm, trừ khi được thực hiện các biện pháp và quy trình bổ sung.

Theo các nhà phân tích, hiện vẫn chưa rõ chính sách của ông Kishida sẽ giúp hồi sinh ngành hạt nhân Nhật Bản ở mức độ nào và nhanh ra sao. Thủ tướng Nhật đề xuất xây dựng các loại lò phản ứng mới nhỏ hơn so với các mô hình thông thường - loại được cho là an toàn và dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, mô hình này vẫn đang được nghiên cứu và cần có khuôn khổ pháp lý mới để có thể đi vào hoạt động.

"Theo một kịch bản được đề xuất gần đây của METI, điều này đồng nghĩa phải đến giữa những năm 2030, Nhật Bản mới có thể đưa các lò phản ứng hạt nhân mới đi vào hoạt động và đây vẫn là một dự báo lạc quan", Sumiko Takeuchi, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế và Môi trường Quốc tế, phát biểu và nhận định đây là một mục tiêu "khắc nghiệt và khó đạt được".

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh quyết định của Thủ tướng được đưa ra "đúng thời điểm" để ngành hạt nhân để tự giải cứu mình.

"Nhiệm vụ tiếp theo của Chính phủ là tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho các lò phản ứng hạt nhân mới và đảm bảo sẵn sàng đưa vào hoạt động. Tiếp theo, Chính phủ cần có hành động cụ thể để chứng minh cam kết sử dụng điện hạt nhân của mình", bà Takeuchi phát biểu.

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/an-ninh-nang-luong-bi-de-doa-nhat-ban-tinh-khoi-phuc-loat-nha-may-dien-hat-nhan.htm