An ninh nguồn nước: Không thể phó mặc cho một doanh nghiệp nào đó!

'Sự cố nước 'sạch' sông Đà vừa qua cho thấy vấn đề chất lượng của nguồn nước đang bị bỏ lửng. An ninh nguồn nước ảnh hưởng tới hàng triệu dân như thế không thể đem phó mặc cho một doanh nghiệp nào đó' - GS. TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch sáng lập Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam.

Sự cố nước sông Đà không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân mà đến nay, nỗi bất an, thấp thỏm về chất lượng nguồn nước vẫn chưa dứt. Lãnh đạo nhà máy đã gửi lời xin lỗi nhưng trách nhiệm về sự cố trên thì chưa ai đứng ra nhận. Từ sự cố nước sạch sông Đà rõ ràng cần nhận diện những khiếm khuyết nghiêm trọng trong quá trình cấp nước sinh hoạt để từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục.

Dưới đây là những chia sẻ của GS. TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch sáng lập Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, về những nội dung như vậy.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang. Ảnh: Petrotimes

GS.TSKH Phạm Hồng Giang. Ảnh: Petrotimes

Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về tình hình an ninh nguồn nước hiện nay?

Nói đến an ninh nguồn nước, chúng ta phải chú trọng cả số lượng và chất lượng. Khi số lượng và chất lượng nước đáp ứng đủ yêu cầu thì đó là an ninh nguồn nước.

Thời gian vừa qua chúng ta chú trọng về an ninh số lượng và đã đạt được những kết quả nhất định. Chúng ta đã có các hồ chứa, các công trình điều tiết, công trình ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt.

Chúng ta đã chú ý các biện pháp tăng cường quản lý nước ngầm. Sử dụng nguồn nước ngầm chiếm một tỉ lệ cao ở Hà Nội và nhiều đô thị lớn trong cả nước. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý và tiếp tục theo dõi diễn biến mức nước ngầm.

Về an ninh chất lượng, sự cố nước ‘sạch’ sông Đà vừa qua cho thấy vấn đề chất lượng của nguồn nước đang bị bỏ lửng. Chưa dám nghĩ tới những vấn đề lớn hơn, chỉ một sự cố mà gây đảo lộn và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân. Điều này cho thấy có những lỗ hổng lớn trong quản lý chất lượng nguồn nước phục vụ dân sinh.

Không phải chúng ta có cơ quan quản lý nước đó sao, thưa ông?

Đúng là chúng ta có nhiều cơ quan quản lý nước, nếu chưa nói là quá nhiều. Chẳng hạn như nước đô thị do Bộ Xây dựng quản lý, nước phục vụ giao thông do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, nước tưới cho nông nghiệp và nước sinh hoạt ở nông thôn thì thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mà nông thôn bây giờ có chỗ thuần nông thôn, nhưng lại có chỗ xen kẽ vừa nông thôn vừa thành thị, nhiều vùng vốn dĩ nông thôn nhưng nay đang gấp gáp đô thị hóa.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng có trách nhiệm quản lý nước ‘nói chung’. Nhưng quả thực không rõ là quản lý cái gì? Bộ Khoa học và công nghệ quản lý mọi thứ… Ở trung ương như vậy rồi ở địa phương cũng thế. Có lẽ nhiều tổ chức quá nên lúc xảy ra sự cố, không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm?!

Như sự cố nước ‘sạch’ sông Đà gần đây, tôi chỉ thấy lãnh đạo Nhà máy nước đứng ra xin lỗi. Nước sông Đà trung chuyển qua hồ Đầm Bài về Hà Nội, nhưng hồ Đầm Bài thuộc ai thì không rõ ràng. Tỉnh Hòa Bình vẫn đang quản lý hồ, nhưng khi có sự cố thì lại cho rằng mình không có trách nhiệm.

Đây là một lỗ hổng rất lớn trong quản lý. Đầm Bài là hồ chứa nhỏ, được xây dựng để cấp nước tưới cho ruộng lúa mấy xã miền núi của huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Tôi đã có một thời gian ngắn theo dõi thi công hồ Đầm Bài.

Do chỉ nhằm mục tiêu tưới ruộng nên đã hoàn toàn không có giải pháp nào bảo vệ nguồn nước. Sau này hồ có thêm nhiệm vụ là trung chuyển cấp nước đô thị nhưng không hề có thêm hạng mục nảo để bảo vệ nguồn nước. Vì vậy mới xảy ra chuyện lén đổ chất thải độc hại vào nước hồ mà không ai biết, nhiều uẩn khúc và dấu hỏi chưa dược giải đáp công khai, minh bạch.

Sự việc ở hồ Đâm Bài Rõ là một việc hết sức bức thiết đến cuộc sống của người dân nhưng nó đã phơi ra tình trạng quản lý rất thiếu trách nhiệm!

Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, người dân Hà Nội khốn đốn khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Ảnh: SGGP

Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, người dân Hà Nội khốn đốn khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Ảnh: SGGP

Là người có chuyên môn và được tiếp xúc với thực tiễn nhiều nước trên thế giới, theo ông thấy thì vấn đề nước sạch của họ có tồn tại tình trạng như ở nước ta?

Nhiều nước, nhất là những nước phát triển, việc tổ chức các dịch vụ thiết yếu đã đi vào ổn định, rất có nề nếp. Quản lý nước có tính tổng hợp và thống nhất cao. Nước được quản lý nghiêm túc theo qui hoạch thống nhất tử các con suối trên thượng nguồn đến đường ống nước trong đô thị cuối nguồn chứ không có tình trạng mỗi người giữ một mảnh và mạnh ai nấy làm. Toàn tuyến cấp nước dân sinh được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Cũng cần nói thêm rằng, mỗi nước có một mô hình riêng để quản lý. Và đồng thời, mỗi nước có một đặc điểm riêng liên quan tới tự nhiên, xã hội và truyền thống do đó, quản lý như thế nào cần có sự nghiên cứu nghiêm túc.

Vậy theo ông, chúng ta nên làm gì để cải thiện được vấn đề này, đặc biệt là sau sự cố nước sạch sông Đà?

Tôi khẳng định luôn là vấn đề này phải được quản lý nhà nước chặt chẽ và thường xuyên. Còn việc quản lý thế nào thì cần nghiên cứu kỹ thêm. An ninh nguồn nước ảnh hưởng tới hàng triệu dân như thế không thể đem phó mặc cho một doanh nghiệp nào đó. Trước mắt, cần giải quyết dần, đúng hướng và tích cực. Chỗ nào cấp bách thì cần giải quyết ngay.

Nước ta có hai lưu vực rất lớn là lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Cửu Long. Gần hết đồng bằng sông Cửu Long đều phụ thuộc vào nguồn nước của dòng sông Mekong. Cũng như vậy, hầu hết các tỉnh Bắc Bộ đều nằm trong lưu vực sông Hồng. Ta đã thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông nhưng chưa thấy có những hoạt động cụ thể. Nó không hẳn là một cơ quan quyền lực, cũng không hẳn là một đơn vị tư vấn. Nó không quyết định được một việc gì. Vai trò của nó trong lĩnh vực nguồn nước rất mờ nhạt.

Các chuyên gia đã có nhiều ý kiến về việc này. Nên giao cho một tổ chức độc lập (không phải là một bộ nào đó trong hệ thống hành pháp) tập hợp các chuyên gia thảo luận rộng rãi để từng bước đi đến mục đích là một mô hình quản lý nước tiên tiến, hiệu quả và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Quay trở lại vấn đề nước sông Đà. Bản chất nước ‘sạch’ sông Đà là nước lấy từ sông Đà bơm lên hồ Đồng Bài, rồi từ cao trình của hồ Đồng Bài theo đường kênh rạch chảy về nhà máy nước sông Đà. Không chỉ riêng vấn đề nước ‘sạch’ sông Đà, ở TP.HCM cũng vậy. Phần lớn nước sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong nông nghiệp hay mọi nhu cầu khác đều dựa vào nguồn nước của hồ Dầu Tiếng.

Nước của hồ Dầu Tiếng đưa về các nhà máy nước dựa vào hệ thống kênh tưới ruộng. rất khó quản lý chất lượng nước. Dọc theo những kênh tưới lộ thiên thường xuyên có trâu bò, rác thải, các chất ô nhiễm… đều gây hại đến chất lượng nguồn nước.

Vì vậy, trên tuyến cấp nước dân sinh, cần hết sức hạn chế phân đoạn nước chảy lộ thiên. Nơi không có điều kiện làm đường ống thì phải rào chắn, có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Những nơi công trình đi qua, tuyệt đối không ai được vào. Nước về tới nhà máy thì nhà máy nước phải có trách nhiệm xử lý đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

Nếu làm được những việc đó thì nguồn nước mặt của chúng ta (không chỉ nước sông Đà hay Dầu Tiếng) sẽ đảm bảo được an ninh về chất lượng. Nếu không, dù hiện nay Nhà máy nước Sông Đà có nói chất lượng nước rất tốt, nhưng như tôi đã bảy tỏ ở trên, không biết lúc nào thì nó sẽ lại không tốt nữa.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Lệ Quyên thực hiện

Đại gia ngoại thò tay thâu tóm nguồn nước sạch Hà Nội - TP.HCM
Đề nghị đưa lĩnh vực kinh doanh nước sạch vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Có 'lợi ích nhóm' trong sản xuất và phân phối nước sạch?
Sự cố môi trường tại Hà Nội: Thước đo và phép thử chính quyền đô thị
Nguồn nước cho cư dân Sài Gòn: Ô nhiễm cấp độ mới, xử lý an toàn nhưng vẫn... lo
Nghịch lý Thủ đô: Hà Nội vừa ngập lụt, vừa thiếu nước sinh hoạt

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/an-ninh-nguon-nuoc-khong-the-pho-mac-cho-mot-doanh-nghiep-nao-do-21827.html