An ninh tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia là mục tiêu quan trọng của Chiến lược Tài chính đến năm 2030. Ở Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, an ninh, an toàn tài chính quốc gia được đảm bảo trên hầu hết các trụ cột như ngân sách nhà nước (quy mô thu ngân sách, tỷ lệ thu nội địa, quy mô chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ bội chi); nợ công (quy mô và cơ cấu nợ) và thị trường tài chính.

Nguồn: Nghị quyết 35-NQ/TW. Đồ họa Văn Chung

Nguồn: Nghị quyết 35-NQ/TW. Đồ họa Văn Chung

An ninh, an toàn tài chính quốc gia bền vững

Nghị quyết số 39-NQ/TW (Nghị quyết 39) ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đặt ra các mục tiêu cụ thể, về nhân lực, vật lực, tài lực. Theo đó, các mục tiêu đối với nguồn tài lực là “Đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN".

Kết quả thực hiện cho thấy, mục tiêu giảm tỷ lệ bội chi NSNN có thể đạt được. Năm 2020, tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP là 3,44% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 4%. Các năm trong giai đoạn 2019 - 2023, tỷ lệ này đều đạt so với mục tiêu đề ra, cụ thể: năm 2019 đạt 2,67%; năm 2021 đạt 2,52% GDP; năm 2022 đạt 3,07%; năm 2023 đạt 4%.

Về nợ công, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Thực tiễn giai đoạn 2019 - 2023, quy mô nợ công của Việt Nam giảm mạnh từ mức 55% GDP của năm 2019 xuống còn 37% GDP cuối năm 2023. Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, quy mô nợ công có tăng lên và đạt 55,9% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đến năm 2030. Chỉ tiêu này vào các năm 2021 và 2022 lần lượt là 43,1% GDP và 37,6% GDP.

Đối với chỉ tiêu nợ chính phủ, quy mô nợ chính phủ của Việt Nam đã giảm mạnh trong giai đoạn 2019 – 2023, từ mức 48% GDP năm 2019 xuống còn 34% GDP vào năm 2023. Trong đó, chỉ tiêu này qua các năm 2021, 2022 lần lượt là 39,1% GDP, 34,02% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra vào năm 2030.

Tương tự, đến cuối năm 2023, nợ nước ngoài của Việt Nam là 3,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 37 - 38% GDP, trong ngưỡng an toàn, thấp hơn mục tiêu đề ra vào năm 2030 là không quá 45% GDP.

Một chỉ tiêu khác cũng đã đạt yêu cầu tại Nghị quyết 39 là nguồn thu NSNN về đất đai. Các khoản thu về nhà đất giai đoạn 2019 - 2022 đạt 13,74% tổng thu ngân sách, vượt mục tiêu đề ra là 10% vào năm 2035 và 2045. Trong đó, tỷ lệ thu ngân sách từ đất đai trong tổng thu NSNN cụ thể các năm như sau: năm 2019 đạt 12,44%; năm 2020 đạt 14,1%; năm 2021 đạt 14,34% và năm 2022 đạt 14,08%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, về cơ bản các chỉ tiêu về bội chi, nợ công được thực hiện rất tốt, rủi ro tài khóa ngân sách của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá ở mức trung bình. Để có được những kết quả này, những năm qua, các quy định về quản lý nợ công đã ngày càng được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đầy đủ cho việc phát hành đa dạng các công cụ nợ, huy động vốn cho NSNN, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) một cách chủ động và hiệu quả.

Cùng với đó, các chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hàng năm đã đảm bảo tái cơ cấu nợ chính phủ theo hướng bền vững, giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn, rủi ro thanh khoản, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn, tăng cường thanh khoản cho các quỹ tài chính nhà nước. Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu danh mục nợ công và nợ chính phủ được cải thiện rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài.

Công tác phát hành TPCP được gắn với tái cơ cấu nợ chính phủ thông qua việc tập trung phát hành ở các kỳ hạn dài và đa dạng hóa nhà đầu tư, góp phần đảm bảo cân đối, tăng hiệu quả quản lý NSNN và quản lý nợ công. Năm 2023, đã thực hiện phát hành 298,5 nghìn tỷ đồng TPCP, đạt 98% kế hoạch (305 nghìn tỷ đồng), kỳ hạn bình quân 12,58 năm (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 là từ 9-11 năm), lãi suất bình quân khoảng 3,21%/năm.

Lãi suất phát hành bình quân TPCP giảm từ mức 6,49%/năm vào năm 2016 xuống 3,21% năm 2023, giúp giảm chi phí huy động vốn của ngân sách trung ương. Đến nay, lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Nhiều rủi ro, thách thức từ tình hình tài chính thế giới

Với những nỗ lực như vậy, trong giai đoạn từ 2019 đến nay, Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng. Moody’s (2023) và S&P (2024) giữ xếp hạng Việt Nam lần lượt ở mức Ba2 và BB+/B với triển vọng ổn định. Điều này tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực và là cơ hội cho Chính phủ đa dạng hóa kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong an ninh, an toàn tài chính công, các chuyên gia cũng đánh giá nợ công trong thời gian tới vẫn gặp nhiều rủi ro đến từ tình hình tài chính thế giới. Trong dài hạn, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng huy động nguồn lực của Việt Nam cũng như áp lực tăng chi trả lãi trong tương lai.

Trong năm 2024, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất từ cuối năm 2023 ở mức 5,25 - 5,5%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2021. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuy đã hạ lãi suất vào 6/6/2024, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với năm 2019, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi của ECB hiện nay lần lượt là 4,25%, 5,5% và 3,75%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tiếp tục tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2024 lên mức 0,25%, đây là mức lãi suất cao nhất của BoJ kể từ năm 2008. World Bank (tháng 6/2024) dự báo lãi suất toàn cầu trong 3 năm tới vẫn sẽ gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2000 - 2019, kìm hãm tốc độ tăng trưởng và gây thêm áp lực nợ đối với các quốc gia thị trường mới nổi đã vay bằng đồng USD.

Đồng thời, những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế cũng làm tăng giá đồng USD so với VND, gây sức ép đối với việc trả nợ và chi phí huy động đối với các khoản vay bằng đồng USD.

Quy mô nợ công, nợ chính phủ giảm mạnh

Thực tiễn giai đoạn 2019 - 2023, quy mô nợ công của Việt Nam giảm mạnh từ mức 55% GDP của năm 2019 xuống còn 37% GDP cuối năm 2023. Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, quy mô nợ công có tăng lên và đạt 55,9% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đến năm 2030. Chỉ tiêu này vào các năm 2021 và 2022 lần lượt là 43,1% GDP và 37,6% GDP. Đối với chỉ tiêu nợ chính phủ, quy mô nợ chính phủ của Việt Nam đã giảm mạnh trong giai đoạn 2019 – 2023, từ mức 48% GDP năm 2019 xuống còn 34% GDP vào năm 2023. Trong đó, chỉ tiêu này qua các năm 2021, 2022 lần lượt là 39,1% GDP, 34,02% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra vào năm 2030.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/an-ninh-tai-chinh-quoc-gia-an-toan-ben-vung-gop-phan-on-dinh-kinh-te-vi-mo-158384.html