Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Ngồi tù 6 tháng vì hành động không ai ngờ
Mặc dù từng bị cảnh sát bắt và phạt tiền nhưng người đàn ông vẫn tái phạm, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng cho hàng xóm.
Án Nước ngoài:
Đẩy mình vào vòng lao lý vì tư thù
CNN đưa tin, ngày 4/4 vừa qua, Tòa án Tp.Hành Dương (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) đã tuyên phạt người đàn ông họ Gu 6 tháng tù và 1 năm quản thúc. Được biết, ông Gu có hiềm khích với người hàng xóm họ Zhong từ tháng 4/2022, lý do là vì người này tự ý đốn bỏ một loạt cau của ông.
Để trả thù, ông Gu lẻn vào trang trại nhà ông Zhong trong đêm, tiếp đó sử dụng đèn pin chiếu liên tục vào đàn gà khiến chúng hoảng loạn, chạy dồn vào một góc tường. Hậu quả, 500 con gà của ông Zhong đã chết do giẫm đạp.
Ông Gu đã bị cảnh sát địa phương bắt và phải nộp phạt 3.000 NDT (khoảng 10,2 triệu đồng). Tuy nhiên, người đàn ông này chưa chịu dừng tay mà quay trở lại trang trại của ông Zhong lần thứ hai. Với cách thức như cũ, ông Gu đã khiến 640 con gà chết.
Tòa án Tp.Hành Dương ra phán quyết rằng ông Gu đã cố ý gây thiệt hại tài sản cho ông Zhong. Ước tính tổng thiệt hại của ông Zhong là 13.840 NDT (khoảng 47,2 triệu đồng).
Liên quan đến những vụ việc hi hữu, trước đó, người đàn ông tên Michael D. (50 tuổi, ở Đức) đã bị hàng xóm kiện ra tòa vì vấn đề liên quan đến gà nuôi ở trang trại.
Cụ thể, ông Michael nuôi 5 con gà với mục đích thu hoạch trứng. Ông cho rằng bắt buộc phải có sự hiện diện của gà trống trong đàn gà, nếu không những con gà mái sẽ lao vào cắn xé nhau. Chú gà trống duy nhất trong đàn được ông Michael đặt tên là Magda.
Sống gần nhà ông Michael, đôi vợ chồng lớn tuổi Jutta và Friendrich-Wilhelm K cảm thấy vô cùng khó chịu với tiếng gáy của Magda trong nhiều năm qua. Thậm chí, họ đã ghi lại nhật ký gáy của con gà, cho thấy có ngày Magda gáy tới 200 lần. Do sợ phải nghe tiếng gà gáy, họ còn không dám mở cửa sổ.
Sau nhiều năm chịu đựng tiếng gà gáy và không nhận được sự hợp tác từ ông Michael, đôi vợ chồng quyết định kiện hàng xóm và Magda ra tòa với yêu cầu chuyển con gà đi nơi khác. Tuy nhiên, ông Michael không đồng ý với lý do cần có gà trống cho công việc của mình.
Trang trại của ông có rất nhiều gà mái, cần gà trống cho quá trình sinh sản của gà mái. Do không đạt được thỏa thuận, tòa án cũng không thể xử vụ án đặc biệt này nên cuộc tranh cãi diễn ra nhiều năm vẫn chưa có hồi kết.
Luật Việt Nam:
Hủy hoại tài sản của người khác phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo pháp luật Việt Nam, hủy hoại (hay phá hoại) tài sản của người khác là hành vi làm cho tài sản bị mất đi giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản đó.
Khách thể của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là quan hệ sở hữu tài sản. Đây là điểm khác biệt đối với những tội chiếm đoạt tài sản khác như tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản,... vì tội này không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. Vì vậy, nếu hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm độc lập khác.
Chỉ vì mâu thuẫn với hàng xóm mà ông Gu đã sử dụng đèn pin chiếu liên tục vào đàn gà khiến chúng hoảng loạn, chạy dồn vào một góc tường. Lần đầu tiên 500 con gà của ông Zhong đã chết do giẫm đạp. Với hành vi này, ông Gu đã bị cảnh sát địa phương bắt và phải nộp phạt 3.000 NDT (khoảng 10,2 triệu đồng). Tuy nhiên, có vẻ quyết định xử phạt trên chưa đủ sức răn đe nên ông Gu đã quay trở lại trang trại của ông Zhong lần thứ hai và dùng cách thức cũ, khiến 640 con gà chết. Hành vi của ông Gu đã gây tổng thiệt hại cho ông Zhong 13.840 NDT (khoảng 47,2 triệu đồng).
Ông Zhong chăn nuôi gà, do vậy với ông và gia đình, đàn gà chính là phương tiện kiếm sống chính. Hành vi chiếu đàn pin vào đàn gà khiến chúng hoảng loạn, dẫm đạp mà chết của ông Gu có đầy đủ dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản. Khi thực hiện hành vi, ông Gu biết rõ hành vi đó có thể khiến đàn gà nhà hàng xóm chết nhưng vẫn cố ý thực hiện.
Mục đích của ông này khi thực hiện hành vi phạm tội khiến đàn gà bị chết (tài sản bị hủy hoại). Nếu người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội có mục đích khác thì trong trường hợp này việc hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích đó và tùy trường hợp cụ thể người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.
Do đó, ông Gu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại tài sản, quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, khoản 1 Điều này quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
Ngoài hình phạt chính, ông Gu còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, hành vi hủy hoại tài sản của người khác là vi phạm pháp luật và người thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cá nhân cần cẩn trọng với mỗi hành vi của mình, nếu phát sinh mâu thuẫn có thể đề nghị sự hướng dẫn, trợ giúp pháp lý từ cơ quan chuyên môn hoặc từ chính quyền địa phương để giải quyết, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra chỉ vì sự bộc phát nhất thời.
Ngoài ra, trong trường hợp này, ông Zhong có thể yêu cầu ông Gu phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Tài sản bị thiệt hại ở đây bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Căn cứ vào các quy định trên, thì đàn gà được xem là tài sản (tồn tại dưới hình thức là vật) thuộc quyền sở hữu của ông Zhong.
Khi làm chết đàn gà của ông Zhong thì ông Gu phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Zhong giá trị tương đương (khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015).
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại, thì có thể gửi đơn khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để được giải quyết.