Án nước ngoài-Luật Việt Nam: Phạt trò gây hậu quả nghiêm trọng, giáo viên đối diện 02 năm tù
Hình phạt là để nhắc nhở học sinh phạm lỗi không tái phạm. Tuy nhiên, một số giáo viên lại đưa ra những hình phạt khiến họ phải ân hận suốt đời.
Án nước ngoài:
Bị tàn tật suốt đời vì cô giáo phạt squat 150 cái
Nữ sinh 14 tuổi tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) bị giáo viên phạt squat (ngồi xổm) 150 cái vì mang đồ ăn vặt vào ký túc xá, dẫn tới thương tật vĩnh viễn.
Truyền thông địa phương dẫn chia sẻ từ chị Zhou, mẹ nữ sinh 14 tuổi, kể rằng sự việc xảy ra từ ngày 10/6, khi con gái bị cô Mu, giáo viên quản lý ký túc tại trường dạy nghề Xianshi ở tỉnh Tứ Xuyên, phát hiện có đồ ăn vặt trên giường.
Cô Mu yêu cầu nữ sinh này phải thực hiện 300 lần squat, song nữ sinh phủ nhận đó là đồ ăn vặt của mình và cũng nói đã bị chấn thương ở chân từ tháng 4 năm ngoái.
Tuy nhiên, cô Mu vẫn ép nữ sinh squat dưới sự giám sát của giáo viên Liu. Sau khi thực hiện 150 lần squat, nữ sinh này không thể tiếp tục và chân bị chấn thương nặng.
Gia đình cho biết sau đó đã đưa em tới phẫu thuật chân ở nhiều bệnh viện tại Lô Châu và Thành Đô, song bác sĩ thông báo nữ sinh bị tàn tật vĩnh viễn và phải dùng nạng di chuyển. Em cũng được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sự việc.
Ban lãnh đạo trường đã đề nghị bồi thường gần 110.000 nhân dân tệ (hơn 17.000 USD), song gia đình nữ sinh chưa đồng ý. Quản lý ký túc Mu đã bị sa thải.
Ngày 16/9, một giáo viên ngoại ngữ ở Trung Quốc cũng phạt học sinh thực hiện động tác squat 200 cái liên tục chỉ vì nghe viết sai 5 từ tiếng Anh. Hình phạt này đã khiến nữ sinh phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết nặng nề.
Được biết, sự việc xảy ra tại một trường trung học ở huyện Nam Phong, Phủ Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nữ sinh Lý kể lại: "Khi em làm được 80 cái thì ngồi luôn xuống đất, không thể đứng dậy nổi. Sau đó, cô giáo bước đến nói với em, làm được hơn 80 cái vẫn chưa xong hình phạt". Cô giáo còn gọi các bạn khác đến đếm cho nữ sinh Lý thực hiện hình phạt.
Khuya hôm đó, cô bé chỉ đi vệ sinh được một chút nhưng không cảm thấy đau đớn gì. Sáng hôm sau, nữ sinh Lý vẫn đi học bình thường nhưng đến tiết 4 thì bắt đầu đau dữ dội, không thể bước xuống lầu hay đi đâu cả. Khi về nhà, nữ sinh Lý xảy ra hiện tượng tiểu tiện ra máu và hoảng sợ khi chứng kiến bản thân bị xuất huyết. Gia đình đã đưa nữ sinh Lý đến bệnh viện điều trị ngay sau đó thì được biết cô bé đã mắc hội chứng tiêu cơ vân, khiến cơ thể có thể bị rối loạn điện giải và nhiều triệu chứng nặng nề khác.
Trước sự việc này, phía nhà trường lên tiếng cho biết, cô giáo ngoại ngữ này là một giáo viên xuất sắc, không hề có ý xấu với học sinh. Sau khi biết chuyện của nữ sinh Lý, cô giáo đã bật khóc và cảm thấy có lỗi.
Luật Việt Nam:
Xâm phạm sức khỏe của người khác là tội hình sự
Dưới góc độ giáo dục, mục đích các giáo viên trên đưa ra hình phạt đối với học sinh là để các em đó nhớ lỗi của mình và không tái phạm. Tuy nhiên, khi phạt học sinh làm động tác squat, bản thân các giáo viên đó có lẽ cũng không ý thức được hậu quả nghiêm trọng mà hành động đó gây ra. Nếu tham chiếu pháp luật hình sự của Việt Nam, hành vi của 2 giáo viên trên có dấu hiệu phạm tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là hành vi của một người trực tiếp tác động đến người khác làm cho người này bị thương tật từ 31% trở lên vì lỗi vô ý do cẩu thả hoặc quá tự tin. Tội phạm xâm phạm quyền được bảo hộ sức khỏe của con người.
Về mặt chủ quan của tội phạm, đây là tội được thực hiện do lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc do cẩu thả).
Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hình phạt của tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có 3 khung.
Khung 1 quy định hình phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
Nếu phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì người phạm tội sẽ bị áp dụng khung 2 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị áp dụng khoản 3 với mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Khung 1 được áp dụng khi người phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Cần lưu ý là người phạm tội thực hiện các hành vi trực tiếp gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác và mức độ thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác phải từ 31% trở lên mới phạm tội. Nếu mức độ thương tật từ 30% trở xuống thì không phạm tội, chỉ bị xử lý hành chính, giải quyết bồi thường dân sự.
Trong một số trường hợp, hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng do vi phạm các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà được các điều luật cụ thể quy định thì không phạm tội theo Điều 138 mà truy tố theo các tội khác tương ứng.
Với 2 vụ việc nêu trên, căn cứ vào kết quả giám định thương tích của các nạn nhân, nếu từ 31% trở lên, người phạt học sinh sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử, giáo viên đó sẽ phải đối diện với mức phạt thấp nhất là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ đến 01 năm. Trong trường hợp tỉ lệ thương tật của nạn nhân từ 61% trở lên thì người phạm tội có thể bị phạt tới 02 năm tù giam.