An Phú chủ động trong mùa mưa bão

Là huyện đầu nguồn biên giới, An Phú (An Giang) chịu nhiều ảnh hưởng do mưa lũ, giông lốc, thời tiết thất thường gây ra. Để chủ động ứng phó, An Phú tập trung huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị cùng chung tay nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Những năm qua, trên địa bàn huyện An Phú thường xảy ra thiên tai như: hỏa hoạn, mưa lớn kéo dài kèm theo giông, lốc gây ra tình trạng ngập úng cục bộ, đổ ngã lúa, hoa màu và cây ăn trái. Sạt lở đất bờ sông Hậu, sông Bình Di và các tuyến kênh lớn làm thiệt hại về nhà cửa, đường giao thông, đất sản xuất… của người dân. Ngoài ra, lũ đầu nguồn có thể gây thiệt hại trong sản xuất, cơ sở hạ tầng (nhà cửa, giao thông, công trình thủy lợi và các công trình công cộng khác).

Năm qua, trên địa bàn huyện An Phú xảy ra 9 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 1.235m, mất khoảng 8.994m2 đất, ảnh hưởng 28 căn nhà (so năm 2018 là 21 điểm, dài 4.391m, ảnh hưởng đến 34 căn nhà). Ngoài ra, mưa giông, lốc xoáy thiệt hại 298 căn nhà (19 căn nhà sập, 279 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo), 140 ha lúa hè thu, thu đông và 5ha cây ăn trái.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở huyện An Phú năm 2019

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện An Phú Mai Văn Bộ cho biết, An Phú huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, triển khai có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế, tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tăng cường công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn; phương án di dời, sơ tán dân cư trong trường hợp khẩn cấp (bão và áp thấp nhiệt đới…) ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đối với Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn chủ động huy động mọi nguồn lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống trước, trong và sau thiên tai. Các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo công tác xuống giống lúa đúng lịch thời vụ, tổ chức tốt công tác bảo vệ sản xuất, bảo đảm thu hoạch trọn vẹn khi có thiên tai.

Mùa lũ hàng năm gây chia cắt nhiều tuyến dân cư ở huyện đầu nguồn An Phú, người dân phải di chuyển bằng xuồng, đò… rất nguy hiểm

Để chủ động ứng phó thời tiết thất thường và tình hình sạt lở, huyện kiên quyết di dời các hộ sống ven sông nằm trong khu vực thường xảy ra sạt lở. Xác định những hộ dân sống trong vùng sâu, vùng xa có khả năng di dời khi bị thiên tai ảnh hưởng để có kế hoạch di dời chỗ ở tạm, ổn định cuộc sống trên các cụm tuyến dân cư, trường học, chùa, đình… trong mùa lũ, bão. Phối hợp các ngành có liên quan tổ chức tốt các điểm giữ trẻ mùa lũ (khi cần) và chuẩn bị phương tiện đưa, rước học sinh ở những vùng ngập sâu đến trường. Thống kê các hộ nghèo, có danh sách cụ thể để có kế hoạch cứu trợ khi có thiên tai xảy ra để đảm bảo cuộc sống người dân.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai như: các dự án quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư có nguy cơ sạt lở cao; các công trình nâng cấp đê, kè chống sạt lở bờ sông… Kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn cho các công trình, hệ thống bờ bao, đê bao để bảo vệ sản xuất.

Đồng thời, xác định điểm xung yếu thường xảy ra tai nạn khi gặp giông to, mưa lớn để đặt chốt cứu nạn. Ví dụ như: đình Dung Thăng (xã Vĩnh Hội Đông), cầu Phú Quí (xã Phú Hữu), Vàm Kênh Xáng (xã Vĩnh Hậu...) và chuẩn bị tốt công tác tìm kiếm cứu nạn. Củng cố các chốt cứu hộ, vận động lực lượng thanh niên, tình nguyện viên các xã, thị trấn, mỗi xã ít nhất 1 đội thanh niên xung kích, với nhiệm vụ tham gia tu bổ công trình chống lũ, di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng thiên tai, củng cố, duy trì lực lượng các điểm, chốt cứu nạn, cấp cứu.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-phu-chu-dong-trong-mua-mua-bao-a278993.html