An Phú tập trung tái cơ cấu nông nghiệp
Những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện An Phú (An Giang) đạt được nhiều kết quả tốt, cho thấy sự chuyển dịch đúng hướng, tái cơ cấu đi vào trọng tâm, nhận thức của nông dân có nhiều thay đổi, tiến bộ khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh được triển khai thực hiện tốt, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp của huyện, tạo tiền đề nâng cao năng suất và chất lượng hàng nông sản địa phương.
Thu hoạch bắp ở An Phú
Nông dân trên địa bàn huyện An Phú đã thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ trên lĩnh vực trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là ông Cao Văn Tấn (ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông) với mô hình trồng lúa chất lượng, chương trình IPM hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Với 4ha đất sản xuất, mỗi năm doanh thu khoảng 570 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng… Đặc biệt, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được triển khai mạnh mẽ.
Ông Đỗ Hoàng Mai (ấp Hà Bao I, xã Đa Phước) đã xây dựng nhà lưới giá rẻ với diện tích 500m2 trồng các loại rau và 2,5ha lúa. Ông áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó hiệu quả kinh tế đạt trên 357 triệu đồng/năm.
Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 24-KH/HU ngày 13-7-2012 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện An Phú tập trung mời gọi doanh nghiệp và nhân dân triển khai thực hiện được 6/8 nhóm sản phẩm gồm: lúa an toàn sinh học, rau màu, nấm ăn, cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản; vùng chuyên canh rau màu xã Phước Hưng. Các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao đang triển khai nhân rộng là lúa an toàn sinh học và rau màu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ cho biết, nhà màng trồng dưa lưới có năng suất từ 90-100 tấn/ha/năm, giá bán dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Đối với nhà lưới giá rẻ, đã ươm giống cây con các loại như: ớt, cà và rau ăn lá… sản xuất từ 17-20 triệu cây/ha/năm, giá bán bình quân 200-250 đồng/cây, lợi nhuận 80 đồng/cây, lợi nhuận từ 1,4-1,7 tỷ đồng/ha/năm…
Hiện, vùng rau màu xã Phước Hưng có diện tích 40ha, được tỉnh đầu tư 3 đường ra cánh đồng và xây dựng trạm bơm, thực hiện hệ thống tưới hiện đại, tổng mức đầu tư 9,1 tỷ đồng (kể cả bồi hoàn). Ngành nông nghiệp đã tổ chức tập huấn, trình diễn một số mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao cho nông dân trong vùng sản xuất; phối hợp UBND xã Phước Hưng thành lập hợp tác xã (HTX) rau màu, tạo điều kiện cho HTX hoạt động có hiệu quả và liên kết đầu ra cho sản phẩm. Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ HTX rau màu Phước Hưng đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP theo đề án mỗi xã một sản phẩm của UBND tỉnh An Giang.
Thời gian tới, huyện An Phú tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi và lợi thế về nguồn nước để bố trí cây trồng phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu, liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Trong đó, triển khai thực hiện tốt các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát động thực hiện tốt chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, vận động nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ động lịch thời vụ, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên đồng ruộng.
Sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, kịp thời nắm bắt và chuyển giao các thông tin sản xuất, các ứng dụng kỹ thuật. Chú trọng khuyến khích và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Tập trung chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường như: sản xuất lúa an toàn sinh học (không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy), trồng rau màu trong nhà lưới, trồng nấm rơm trong nhà, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học và phát triển mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-phu-tap-trung-tai-co-cau-nong-nghiep-a274810.html